Năm 2021, tuyến đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận)-Đà Lạt (Lâm Đồng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được tích hợp vào Quy hoạch vùng Tây Nguyên. Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt”, mở ra cơ hội “hồi sinh” tuyến đường sắt độc đáo này.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐỘC ĐÁO
Theo tài liệu lưu trữ, sau khi tiếp nhận thông tin khảo sát cao nguyên Lang Biang, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã quyết định chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt vào năm 1898. Chuyến khảo sát này có sự tham gia của bác sĩ Alexandre Yersin. Sau đó, việc nghiên cứu còn được tiếp tục để thu thập dữ liệu phục vụ thiết kế xây dựng. Năm 1898, bác sĩ Yersin đã dự đoán về vai trò của tuyến đường sắt: “Trên Lang Biang, người Âu sẽ tìm thấy một khí hậu nhắc nhở họ về nước Pháp, chỉ cách Sài Gòn vài giờ tàu hỏa”.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt dài khoảng 84 km, trong đó 16 km đường sắt răng cưa để tàu leo dốc. Thời điểm này, đường sắt và đầu máy có bánh xe răng cưa chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam. Đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt được xây dựng theo loại đường đơn, khổ hẹp loại 1m và được thực hiện trong 3 giai đoạn, gồm: xây dựng đoạn từ Tháp Chàm đến Xóm Gòn (1903-1916), đoạn từ Xóm Gòn đến Sông Pha (1916-1917) và đoạn từ Sông Pha đến Đà Lạt (1922-1932). Năm 1903, tuyến đường sắt bắt đầu được đấu thầu xây dựng hơn 38 km đầu tiên và sau 8 năm mới đưa vào khai thác.
Theo Địa chí Đà Lạt, đoạn đầu qua vùng đồng bằng từ Tháp Chàm đến Sông Pha được xây dựng thuận lợi, nhưng đoạn từ Sông Pha đến Đà Lạt gặp nhiều gian nan do phải vượt qua những dãy núi độ cao rất lớn, địa thế hiểm trở, rừng rậm và khí hậu khắc nghiệt. Tuyến đường sắt được xây dựng uốn lượn theo các sườn núi, vượt qua nhiều đường hầm, cầu và những tường chắn vách núi dựng đứng. Hướng tuyến táo bạo nhưng cũng đầy cảm hứng khi đi qua những vùng có phong cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ...
Nhà ga Đà Lạt là công trình có kiến trúc đẹp và độc đáo, từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất Đông Dương; được công nhận Di tích kiến trúc cấp quốc gia năm 2001. Công trình khởi công năm 1932, hoàn thành năm 1938, thiết kế theo kiến trúc Anglo-normand mới, lấy cảm hứng sáng tạo từ biểu tượng núi Lang Biang và mái nhà rông Tây Nguyên.
Hiện ga Đà Lạt duy trì tuyến đường tàu du lịch Đà Lạt-Trại Mát dài 7 km. “Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa và những dịch vụ mới lạ, hấp dẫn vừa được đưa vào khai thác, năm 2024 ga Đà Lạt được tỉnh Lâm Đồng công nhận “điểm du lịch” và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trên hành trình trải nghiệm thành phố ngàn hoa”, Trưởng ga Đà Lạt Nguyễn Võ Minh Chánh cho biết.
CƠ HỘI “HỒI SINH” TUYẾN ĐƯỜNG SẮT
Do nhiều lý do, tuyến đường Tháp Chàm-Đà Lạt đã phải ngừng hoạt động từ đầu thập niên 1970. Hiện ga Đà Lạt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang duy trì đoàn tàu du lịch tuyến Đà Lạt-Trại Mát. Trên cung đường này, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh ngoại ô lãng mạn của phố núi, sử dụng dịch vụ ăn uống, giải trí trên tàu. Tuy chỉ dài 7 km, nhưng tuyến đường gợi nhắc sự tồn tại và kỳ vọng khôi phục lại một tuyến đường sắt độc đáo từng hoạt động gần 100 năm trước.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng, tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt được quy hoạch theo Quyết định số 1769 ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; với chiều dài dự kiến 84 km, khổ đường 1.000 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030 (các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận triển khai sớm hơn).
Tuyến đường sắt này cũng đã được tích hợp vào Quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thực hiện giai đoạn 2021-2030.
Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Nguyễn Văn Gia cho biết, tại Nghị quyết 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, năm 2030 sẽ phấn đấu khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt phục vụ du khách.
Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư, do Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) là cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, Công ty cổ phần thương mại-dịch vụ Bạch Đằng đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo yêu cầu của bộ và đang chờ phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm tiến độ dự án hoàn thành trước năm 2030.
Đầu tháng 3/2025, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ông Quản Hoa Bình, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty công trình quốc tế Cục 2 đường sắt Trung Quốc được giao phụ trách thị trường Đông Nam Á cho biết, công ty mong muốn hợp tác với Lâm Đồng trong các lĩnh vực đường sắt, mở rộng đường bay và du lịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi dựa trên quy định của pháp luật để các dự án hợp tác thành công.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt đã đi vào lịch sử ngành đường sắt, khi là cung đường sắt chạy bằng răng cưa nối miền duyên hải và cao nguyên; là tuyến đường sắt duy nhất dẫn lên Tây Nguyên, được xây dựng trong gần 30 năm (1903-1932). Việc khôi phục tuyến đường và tôn tạo các công trình kiến trúc nhà ga sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch của các tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận trong tương lai