Kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế và khởi động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV

NDO - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế và khởi động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cùng các đại biểu là Trưởng đại diện các cơ quan phát triển Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, trong suốt 74 năm kể từ ngày Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua, Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế đã thể hiện khát vọng, mục tiêu chung và nhu cầu phổ quát của nhân loại về quyền con người và cho đến nay, những tư tưởng và giá trị của Tuyên ngôn nhân quyền vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, Việt Nam chia sẻ những tư tưởng tiến bộ về quyền con người được Liên hợp quốc khẳng định trong Tuyên ngôn và các văn kiện quan trọng khác, quyết tâm và nỗ lực xây dựng và triển khai các chính sách về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đạt được các kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao mà minh chứng gần đây nhất là việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Nhấn mạnh cam kết đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định sự ủng hộ và tham gia nghiêm túc, trách nhiệm tại cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền, trong đó, với chu kỳ III, đến nay Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm 82,6% các khuyến nghị đã chấp thuận.

Kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế và khởi động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV ảnh 1

Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành chu kỳ III trong năm 2023 và khởi động quá trình chuẩn bị tiến trình xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV để gửi Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm 2024 và đề nghị các cơ quan Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các bên liên quan tiếp tục cùng đồng hành, hợp tác với Việt Nam để hoàn thành tiến trình đúng tiến độ với chất lượng cao nhất.

Phát biểu tại sự kiện, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, bà Pauline Tamesis chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, cho rằng đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện những nỗ lực cụ thể trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Đánh giá cao cam kết của Việt Nam với tiến trình UPR, bà Tamesis nhấn mạnh mối liên hệ giữa các khuyến nghị, ưu tiên của Hội đồng Nhân quyền và cơ chế UPR với các quan tâm của các Cơ quan Công ước. Bà Tamesis cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan, nhất là các tổ chức phi chính phủ, đại diện các cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương.

Chia sẻ ý kiến của Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc Pauline Tamesis, bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định UNDP sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam trong chu kỳ IV thông qua tăng cường năng lực của các bộ, ngành và tất cả các bên liên quan, nhất là các tổ chức phi chính phủ và thanh niên.

Tại Lễ kỷ niệm, đại diện các cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, các bộ, ngành, giới nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ… ở Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm trên thế giới trong việc gắn tham gia UPR, bảo đảm quyền con người với thúc đẩy phát triển bền vững, thực hiện SDGs, nâng cao tính minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan khác nhau,… Các đại biểu cũng giới thiệu những thông tin cập nhật về tình hình triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III và đề xuất các kiến nghị cho việc chuẩn bị cho Báo cáo UPR chu kỳ IV trong từng lĩnh vực, cũng như chủ trương, chính sách, các cam kết, nỗ lực cũng như các thách thức và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong tham gia cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.

Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch Tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể cho 18 bộ, ngành triển khai các khuyến nghị này. Kế hoạch Tổng thể cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện và giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan để sơ kết việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể, cũng như hướng tới việc tham gia UPR chu kỳ IV (dự kiến trong năm 2024).