Chủ động, tích cực tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ

Ngày 11/10, tại Trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền của tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào cơ quan này. Năm 2013, Việt Nam lần đầu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Việt Nam tại cuộc bỏ phiếu Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Đoàn Việt Nam tại cuộc bỏ phiếu Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Ngày 12/10, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Trong nhiệm kỳ ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

“Chúng ta sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…”, Bộ trưởng cho biết. Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật…

Hội đồng Nhân quyền LHQ trực thuộc Đại hội đồng LHQ, được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ; là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Tại cuộc bỏ phiếu vừa qua, trong năm khu vực địa lý phân chia các thành viên LHQ, nhóm châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ mới. Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này, đồng thời là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Không chỉ chín nước thành viên ASEAN mà nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ latin đã bỏ phiếu tán thành Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ này.

Những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia công tác của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”. Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Việt Nam đã tích cực tham gia đối thoại, hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần khách quan và xây dựng, gắn liền với các trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Chủ động, tích cực tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ ảnh 1

Việt Nam thuộc nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người cao. Ảnh: UNDP

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó, việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện chính sách của Việt Nam lấy người dân làm trung tâm, cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; trong bối cảnh mới, công tác nhân quyền của Việt Nam đã kịp thời bảo đảm quyền việc làm cho người dân và các cộng đồng dễ bị tổn thương trong ứng phó biến đổi khí hậu; Chính phủ Việt Nam chú trọng phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, bảo đảm quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, thúc đẩy lồng ghép và nâng cao nhận thức về nhân quyền trong chương trình giáo dục…

Đầu tháng 9 vừa qua, tại Lễ công bố Báo cáo phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) nhận định, Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người bất chấp giai đoạn khó khăn của đại dịch. Theo ghi nhận của UNDP, Việt Nam thuộc Nhóm Phát triển con người cao từ năm 2019. Còn theo GS Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP: “Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ Việt Nam đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022”.

Theo TTXVN, nhà nghiên cứu người Indonesia, Veeramalla Anjaiah thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) nhận định, Việt Nam là đất nước hòa bình và ổn định, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước. Ông Anjaiah đánh giá cao việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và coi đây là sự công nhận những cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. “Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam cũng luôn tham gia các nỗ lực bảo vệ quyền con người ở LHQ và các tổ chức quốc tế khác”, ông Anjaiah chia sẻ.