Kỷ niệm 30 năm thành lập xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc

NDO - Tối 15/4, xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (24/4/1993-24/4/2023).
0:00 / 0:00
0:00
Một góc xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).
Một góc xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).

Xã đảo Thổ Châu nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Xã có 8 hòn đảo lớn nhỏ, cách trung tâm thành phố Phú Quốc 101km, cách thành phố Rạch Giá 220 km.

Ngày 30/4/1975, miền nam được giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng còn một số đảo ta chưa kịp tiếp quản, trong đó có quần đảo Thổ Châu. Lợi dụng tình hình đó, ngày 10/5/1975, quân Khmer Đỏ đưa quân chiếm đóng trái phép quần đảo Thổ Châu, bắt hơn 500 người dân trên đảo đưa xuống tàu và chở đi sát hại.

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ thị Quân chủng Hải quân phối hợp cùng Quân khu 9 và các lực lượng địa phương đánh chiếm lại các đảo và đất đai của ta mà quân Khmer Đỏ đã chiếm đóng.

Ngày 23/5/1975, các lực lượng tham gia chiến đấu của ta xuất phát tiến công, đến ngày 27/5/1975, đảo Thổ Châu hoàn toàn được giải phóng.

Ngày 15/2/1993, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 96/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo xã mới Thổ Châu lâm thời; đồng thời, tổ chức đưa dân ra đảo sinh sống.

Ngày 24/4/1993, Chính phủ có Nghị định 19/1993/NĐ-CP về việc thành lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang, có diện tích tự nhiên 2.634ha. Hiện, toàn xã đảo Thổ Châu có 549 hộ với 1.899 nhân khẩu, trong đó có 16 hộ đồng bào dân tộc Khmer với 36 nhân khẩu.

Qua 30 năm, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc và với tinh thần tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Thổ Châu đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng, phát triển xã Thổ Châu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã từ 10-12%; tổng sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2022 đạt 150 tấn; có 46 hộ nuôi trồng hải sản với 52 lồng bè nuôi cá và các loại hải sản khác, tổng sản lượng đạt 30 tấn.

Nhiều công trình trên đảo đã được đầu tư xây dựng và đưa vào phục vụ đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã giảm còn 1,46% so với dân số. Nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm hơn 70,2%, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100% và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,9%.

Tỷ lệ huy động học sinh từ 6 đến 14 tuổi đến trường hàng năm đạt hơn 98%. Hiện, trạm y tế xã có 2 bác sĩ và 7 nhân viên phục vụ. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin, tuyên truyền luôn được quan tâm phát triển và thường xuyên tổ chức.

Quốc phòng, an ninh trên xã đảo được tăng cường, ổn định. Các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vùng biển Tây Nam của Tổ quốc…