Kỷ niệm 245 Ngày sinh Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ

NDO - Tối 9/12, tại Quảng trường Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) long trọng tổ chức kỷ niệm 245 năm Ngày sinh và tưởng niệm 165 năm Ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 245 năm Ngày sinh và tưởng niệm 165 năm Ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 245 năm Ngày sinh và tưởng niệm 165 năm Ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Kỷ niệm 245 năm Ngày sinh và tưởng niệm 165 năm Ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, là dịp để hậu thế tri ân công lao to lớn của ông và các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.

Những bài học về đạo làm quan “thanh, cần, thận, trực”, những sáng tạo và tư duy, về xây dựng kinh tế, cách tân xã hội mà Nguyễn Công Trứ để lại cho hậu thế đến nay vẫn còn giá trị và sẽ trường tồn cùng quê hương, dân tộc.

Nguyễn Công Trứ đã kết tinh những giá trị của văn minh châu thổ sông Hồng, văn hiến Kinh kỳ và văn hóa xứ Nghệ.

Lê Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thời kỳ nào cũng xuất hiện những bậc hiền tài, anh hùng hào kiệt làm rạng danh non sông đất nước. Quê hương Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, trong số đó, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ là một nhân cách hiếm có, một nhà tư tưởng vì nước, vì dân, quy tụ triết lý tự do, quân tử bất khí, với sức sống mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng, đa chiều, có công lớn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của nước nhà ở nửa đầu thế kỷ thứ XIX.

Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, sinh ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Tuất 1778. Quê cha làng Uy Viễn Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê mẹ Xứ Đoài, Thăng Long, lại sinh ra ở Thái Bình, lớn lên bên dòng sông Lam, dưới chân Ngàn Hống.

Nguyễn Công Trứ đã kết tinh những giá trị của văn minh châu thổ sông Hồng, văn hiến Kinh kỳ và văn hóa xứ Nghệ. Lớn lên trong một xã hội đầy biến động, ông đã sớm nuôi chí lớn, quyết tâm đem sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết của mình để dâng hiến cho đất nước, cho nhân dân với khát vọng:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

Trong suốt cuộc đời với gần 30 năm làm quan, trải qua 4 triều vua, 26 lần thăng giáng, hơn 50 lần đổi bổ, sai phái. Khi thăng lên đến Tổng đốc, Thượng thư, khi bị xử “trảm giam hậu”, rồi bị giáng hết mọi chức xuống làm lính thú.

Song với bản lĩnh phi thường và lạc quan hiếm thấy, ông đã kiên cường vượt qua mọi hoạn nạn, tỏ rõ nhân cách thanh cao, đem hết tài năng phục vụ quốc gia, dân tộc. Khi làm Thượng thư không lấy làm vinh, khi làm lính thú không lấy làm nhục.

Kỷ niệm 245 Ngày sinh Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ảnh 1

Tranh cổ động kỷ niệm 245 năm Ngày sinh và tưởng niệm 165 năm Ngày mất Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Là một vị quan thanh liêm, sống thanh bần, thích tự do, ngang tàng, ngạo nghễ ở đời. Là người văn võ toàn tài, Nguyễn Công Trứ không chỉ tinh thông thao lược, mà còn thấm nhuần đạo làm tướng. Ông xông pha trên mọi chiến trường, đánh dẹp từ bắc chí nam vì mục đích bảo quốc, an dân. Ông tích cực tiêu trừ giặc cướp vùng Quảng Yên, dẹp loạn Chân Lạc, đập tan ý đồ xâm lược của Xiêm La.

Thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, những hậu quả lâu dài của thời hậu chiến, đồng thời nhận thấy những tiềm năng to lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ, ông đã đề nghị triều đình cho phép được tập hợp cư dân khai khẩn các vùng đất hoang hóa.

Kỷ niệm 245 Ngày sinh Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ảnh 2

Nguyễn Công Trứ là người có công làm cho hát nói trở thành hoàn chỉnh, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho nghệ thuật hát nói, ca trù của dân tộc Việt Nam.

Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ với tài năng, tâm huyết của mình, đã tổ chức nhân dân đắp đê lấn biển, khai hoang lập ấp, biến vùng đất vốn ngập mặn, nghèo đói, lập nên các huyện Kim Sơn-Ninh Bình, Tiền Hải-Thái Bình và nhiều làng xã ở Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh trù phú như bây giờ. Khi đảm trách việc quân ở vùng Tây Nam Bộ, làm tuần phủ An Giang, ông đã hợp sức với quan quân, nhân dân địa phương đào kênh rạch, làm thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt từ sông Cửu Long về đồng ruộng. Ông cũng có nhiều đề xuất tâm huyết về xây dựng tuyến phòng thủ vùng duyên hải bảo vệ an ninh, chủ quyền ở các vùng biển đảo có giá trị to lớn đến ngày hôm nay.

Là nhà nho tài tử, tên tuổi của Nguyễn Công Trứ còn lưu danh hậu thế bằng tài văn chương đặc sắc, giàu trí nhân văn dân tộc qua một phong cách phóng túng và tài hoa. Là một người giỏi chữ Hán nhưng các sáng tác của ông đều bằng chữ Nôm và chủ yếu viết theo thể hát nói. Là người đã có công làm cho hát nói trở thành hoàn chỉnh, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho nghệ thuật hát nói, ca trù của dân tộc Việt Nam. Ông chính là người đóng góp rất lớn trong việc đưa các làn điệu ca trù của các giáo phường Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân đến với chốn cung đình và được lưu truyền trong cả nước...

Bên cạnh những đóng góp về quân sự, kinh tế; ông còn được lưu truyền về nhân cách khác biệt trong xã hội phong kiến Đó là cái “ngông” của một người “hơn người và khác đời”.