Các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Cẩm Tú, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư; Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, các tỉnh thành trong cả nước dự lễ kỷ niệm.
Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệu hiệu Hy Văn sinh ngày 1-11-1778 (năm Mậu Tuất) tại xã Địa Linh, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Thân phụ là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn (quê: làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) - một người nổi tiếng về học vấn, văn chương lúc bấy giờ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Phan người làng Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng, nay là huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Nguyễn Công Trứ sớm được theo học nhiều thầy giáo và tiếp xúc nhiều nhà nho, kẻ sĩ thức thời mẫn thế ở các địa phương và được tiếp thụ những bài học không chỉ về chữ nghĩa văn chương, truyền thống nho giáo, mà còn về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội,... Trong suốt cuộc đời với gần 30 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ đã để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…
Sau 160 năm ngày mất của Danh nhân Nguyễn Công Trứ, hậu thế luôn nhận ra ở ông một hình mẫu kẻ sĩ độc đáo. Trước sau, Nguyễn Công Trứ luôn giữ vững khí phách, tiết tháo của một nhà nho chân chính, không chịu khuất phục trước những cám dỗ của cuộc đời, dù nhiều lần thăng giáng nhưng không một lời than phiền, không ghen ghét kẻ đã vu oan cho mình, luôn yêu đời nhập thế, dấn thân không mệt mỏi, luôn hành động, hòa nhập, hòa mình với đời sống của nhân dân, tận hiến vì cuộc đời. Nguyễn Công Trứ là hiện thân sinh động cho sự lên ngôi của cái tôi cá nhân, cô đọng cả một triết lý nhân sinh cao đẹp, sống vì lý tưởng, vì nghĩa lớn gắn với quyền lợi nhân dân và cộng đồng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Phát huy truyền thống của các bậc tiền nhân đi trước, những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hà Tĩnh đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đều có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, đạt trên 18%. Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, kinh tế Hà Tĩnh đã lấy lại đà tăng trưởng. Năm 2018 đạt 20,8%; thu ngân sách 12.300 tỷ đồng, đạt 130,8% dự toán và tăng 37,7% so với năm 2017. Công tác xây dựng Đảng ngày càng đi vào chiều sâu; tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, khóa 12, Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa 12 về công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng; văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Đến nay, toàn tỉnh có 139 xã, chiếm 61% tổng số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó riêng đối với huyện Nghi Xuân, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du và Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đã có 17/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 14 xã đạt chuẩn từ năm 2017 trở về trước; ba xã đạt chuẩn trong năm 2018. Toàn huyện Nghi Xuân hiện có 148/148 thôn của 17 xã đã xây dựng phương án triển khai khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Với những thành quả đã đạt được, huyện Nghi Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh.
Kỷ niệm 240 năm Ngày sinh, tưởng niệm 160 năm Ngày mất Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ cũng chính là dịp tri ân công lao to lớn của Nguyễn Công Trứ đối với quê hương, đất nước. Những bài học về “thanh, cần, thận, trực”, những sáng tạo và tư duy về mở mang bờ cõi, xây dựng nền kinh tế mà Nguyễn Công Trứ để lại cho hậu thế đến nay vẫn còn rất nhiều giá trị và sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao bằng công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới.