Thời gian qua, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên vận động người dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo.
Đồng thời, đây là đội ngũ trụ cột trong việc giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Những già làng, trưởng thôn, người có uy tín còn là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần lớn vào việc xây dựng thế trận toàn dân, giữ vững trật tự, bình yên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Lâm Đồng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư
Từ tháng 2/2023 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức sáu buổi tiếp và làm việc định kỳ hằng tháng với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, qua các buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã tiếp nhận và xử lý cho 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư với 58 lượt kiến nghị.
Trong đó, đã giải quyết dứt điểm các nội dung kiến nghị của 35 doanh nghiệp, nhà đầu tư, với 44 nội dung kiến nghị; các kiến nghị còn lại đang tiếp tục được giải quyết theo trình tự.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương hằng tháng tổng hợp kết quả xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có phương án xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Gia Lai bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho nghệ nhân trẻ
Các học viên tham gia lớp học. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai vừa khai mạc lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 20 học viên là nghệ nhân trẻ người Bahnar đến từ sáu huyện và thị xã An Khê. Đây là hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời gian từ 21/8 đến 1/9, các nghệ nhân được Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc Phạm Chí Khánh (Nhà hát Tuồng Việt Nam), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) truyền đạt nội dung về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là kỹ năng chỉnh chiêng, vai trò của thang âm cồng chiêng, nguyên lý của việc chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng; thực hành kỹ thuật gò chỉnh cồng chiêng; nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng…
Lớp tập huấn lần này được tổ chức theo phương pháp mới dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu. Những kiến thức, kỹ năng được truyền đạt một cách có hệ thống, giúp các nghệ nhân Bahnar áp dụng, thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là có thể truyền dạy lại cho cộng đồng.
Đắk Lắk đề nghị bổ sung 3 khu công nghiệp vào quy hoạch
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung thêm 3 khu công nghiệp, với tổng diện tích 1.180 ha.
Các khu công nghiệp đề nghị đưa vào quy hoạch gồm: Khu công nghiệp tại huyện M’Drắk với diện tích 300 ha; khu công nghiệp tại huyện Ea Kar với diện tích 480 ha và khu công nghiệp tại huyện Ea H’leo với diện tích 400 ha. Các khu công nghiệp này dự kiến được triển khai thực hiện sau năm 2030.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có một Khu công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) đang hoạt động với diện tích 180 ha, đã được Chính phủ đồng ý mở rộng thêm 150 ha.
Hiện có 60 dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp này, với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.032 tỷ đồng.
Ngoài ra, Khu công nghiệp Phú Xuân (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, với quy mô 325,6 ha.