Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi kinh tế

NDO -

Chính sách cần tập trung hướng đến mục tiêu hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19 thay vì tập trung theo hướng ứng phó với Covid-19.

Các diễn giả trao đổi ý kiến tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Đại học Kinh tế quốc dân).
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Đại học Kinh tế quốc dân).

Trong hai ngày 11-12/11, Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2021).

Do dư địa chính sách dần thu hẹp, cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch. Đặc biệt là những doanh nghiệp có tính lan tỏa lớn đến cộng đồng sản xuất kinh doanh và các khu vực khác của nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Qua đó tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động.

Kiến nghị đến cơ quan chức năng, nhóm các nhà khoa học Trường đại học Kinh tế Quốc dân nêu hai quan điểm cơ bản khi ban hành các chính sách điều hành. Đó là cần tập trung hướng đến mục tiêu hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19 thay vì tập trung theo hướng ứng phó với Covid-19 với các giải pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch. Điều này phù hợp với chiến lược mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay vì chiến lược “Không có Covid-19”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề. Trong đó tập trung vào các điểm nghẽn trong ba vấn đề lớn: Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; an sinh xã hội và nguồn lao động.

PGS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã đặt ra những thách thức và khó khăn chưa từng có đối với toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam.

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam hiện đang đứng trước yêu cầu phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh phải thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, làm thế nào để Nghị quyết 128/NQ-CP được thực hiện thông suốt trong cả nước là vấn đề cần được quan tâm.

“Cần có giải pháp, quy định chi tiết và đủ mạnh để Nghị quyết 128/NQ-CP được triển khai, thực hiện thông suốt thành một khối thống nhất cho việc thúc đẩy thị trường, doanh nghiệp phục hồi trên toàn quốc. Nếu mỗi địa phương thực hiện một kiểu như thời gian qua thì phục hồi kinh tế sẽ chậm hơn rất nhiều”, PGS, TS Phạm Hồng Chương nói.

Khuyến nghị về các chính sách phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam/Lào cho rằng, Việt Nam đã gặp phải sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động, khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được. Trong thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện khả năng chống chịu với các cú sốc bằng cách xây dựng thêm “vùng đệm” cho tài chính; tăng cường tính linh hoạt của các chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và cải thiện năng suất lao động. Cùng với đó là thực hiện những cải cách mang tính quyết định hơn, như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư…

Đây là diễn đàn kinh tế thường niên để các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành kinh tế, quản trị và kinh doanh trao đổi, trình bày các công trình nghiên cứu của mình, đồng thời hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu.

Hội thảo đã nhận được hơn 120 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên từ Việt Nam và 10 quốc gia trên thế giới. Hơn 70 tham luận được lựa chọn để trình bày trong 16 phiên song song về các lĩnh vực khác nhau như tài chính, kế toán, kinh tế nông nghiệp, môi trường, quản trị kinh doanh, kinh tế vĩ mô, marketing, kinh tế vi mô, quản lý nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế….