Kinh tế trang trại nông thôn ở Tây Bắc

Bài 2: Giải pháp phát triển phù hợp tiềm năng, lợi thế

0:00 / 0:00
0:00
Trang trại trồng hoa ly Dương Hà, rộng hơn 4 ha ở phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai).
Trang trại trồng hoa ly Dương Hà, rộng hơn 4 ha ở phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Nhiều năm qua, kinh tế trang trại khu vực Tây Bắc nói chung, nhất là ở hai tỉnh Sơn La và Lào Cai nói riêng, đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, để giải quyết, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cũng như tạo cơ hội làm giàu cho người nông dân..., cần có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiềm năng lợi thế của địa phương.

Theo lãnh đạo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh có 168 trang trại, trong đó có 153 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại tổng hợp, một trang trại trồng trọt và bốn trang trại thủy sản, với tổng giá trị sản xuất của các trang trại gần 500 tỷ đồng, liên kết với hơn 21 nghìn hộ nông dân ở các địa phương.

Cơ chế, chính sách... còn xa thực tế

Kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân. Kinh tế trang trại đã góp phần nâng tổng giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp Lào Cai lên gần 9.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 5%.

Tuy nhiên theo đánh giá, kinh tế trang trại ở Lào Cai phát triển chưa bền vững, nhất là các trang trại chăn nuôi. Chất lượng sản phẩm sản xuất từ trang trại chưa được kiểm soát nghiêm ngặt, chưa có thương hiệu lớn trên thị trường, sức cạnh tranh kém. Một số trang trại chưa mạnh dạn vay vốn mở rộng đầu tư hạ tầng, khoa học-công nghệ, do vậy doanh thu từ sản xuất không lớn, trong khi chi phí sản xuất đầu vào cao dẫn tới hiệu quả kinh tế và lợi nhuận thấp.

Tại Lào Cai, vướng mắc nhất là việc hỗ trợ và vay vốn theo Nghị quyết số 26 của Hội đồng nhân dân tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Theo ông Phạm Thanh Xuân (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên), tỉnh Lào Cai hỗ trợ đầu tư làm chuồng trại nuôi bò sinh sản theo Nghị quyết số 12, nhưng nhiều gia đình chưa kịp nhận hỗ trợ thì thay đổi chính sách theo Nghị quyết số 26. Do vậy, người dân mất nhiều thời gian chờ đợi và mức hỗ trợ bị giảm so với trước nên chủ trang trại gặp nhiều khó khăn, nản lòng...

Ông Phạm Thanh Xuân chia sẻ: “Chúng tôi tuân thủ thực hiện theo Nghị quyết số 12 nên đã đầu tư chuồng trại quy mô hơn để nuôi sinh sản và bảo tồn giống bò vàng của địa phương. Bình thường thì để chăn nuôi gia súc, chúng tôi có thể đầu tư chuồng trại và chăn nuôi bò thịt đạt hiệu quả hơn nhiều, mức đầu tư cũng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, theo trả lời của cơ quan chức năng, chúng tôi không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 12, như vậy sẽ rất thiệt thòi...”.

Bà Tạ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hợi cho biết, đến nay hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được Nghị quyết số 26 của Hội đồng nhân dân tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc trang thiết bị. “Đất đai của chúng tôi bây giờ có muốn chuyển đổi, mở rộng diện tích nhà xưởng cũng không được; bởi các thủ tục, hồ sơ rất phức tạp, nhất là khi làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi đều được trả lời: Do chưa đáp ứng đủ các điều kiện..., mặc dù sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhiều năm nay”, bà Hợi băn khoăn.

Tháo nút thắt, khơi điểm nghẽn

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Lào Cai cho biết: Hai địa phương đã có nhiều kế hoạch, giải pháp chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các huyện, thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, chương trình phát triển tài sản trí tuệ và chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ủy ban nhân dân hai tỉnh Sơn La và Lào Cai đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể; hỗ trợ tạo lập và quản lý, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể với các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP và sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với thị trường tiêu thụ…

Để thúc đẩy kinh tế trang trại, Tỉnh ủy Sơn La và Lào Cai đã ban hành nhiều nghị quyết xác định nhiều sản phẩm nông nghiệp là những cây trồng, vật nuôi cần tập trung phát triển thành hàng hóa quy mô lớn. Mục tiêu là hướng đến các thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu hoặc cung ứng cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng cao cấp trong nước.

Tuy nhiên, muốn làm được việc này, yêu cầu đặt ra là thu hút nhiều hơn nữa, tạo cơ chế thông thoáng hơn nữa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lớn, tập trung phát triển kinh tế trang trại. Ngoài cơ chế về đất, các tỉnh cũng cần ban hành những nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là chính sách hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ kinh phí phát triển, chuẩn hóa các mô hình chất lượng; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, trước mắt tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại cũng như nâng cao tay nghề cho người lao động; đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nông sản, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản thông qua các hình thức liên kết, đầu tư của doanh nghiệp; bồi dưỡng cho các chủ trang trại có đủ năng lực trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại; quan tâm, tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, trong đó tăng cường cho vốn trung hạn, dài hạn để bảo đảm chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các huyện, thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, chương trình phát triển tài sản trí tuệ và chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 đặt mục tiêu cụ thể, như: Phấn đấu đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được chấp nhận đạt từ 250 đơn trở lên, số văn bằng bảo hộ được cấp tăng từ 1,5 lần so với giai đoạn 2015-2020.

“Thời gian vừa qua, tỉnh đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là hỗ trợ tạo lập và quản lý, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể từ 30 sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP và sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Nguyễn Thành Công khẳng định.

Dưới góc độ của các hộ dân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi kiến nghị, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho mô hình trang trại, hợp tác xã được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn từ nguồn quỹ, các chương trình hỗ trợ theo chuỗi giá trị và mô hình hợp tác xã kiểu mới từ nguồn kinh phí của địa phương, Trung ương. Các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân thực hiện cấp mã vùng trồng và cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp các sở, ngành chuyên môn của tỉnh Sơn La, Lào Cai, cần phải tập trung đổi mới, phát triển, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã; nhân rộng các mô hình mới, hợp tác xã, mô hình kinh tế trang trại điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và tập trung xây dựng các mô hình kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực với quy mô lớn của tỉnh gắn với tiêu chí số 13 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ hợp tác xã đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao giá trị sản xuất; hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục đăng ký thành lập hợp tác xã và các điều kiện gia nhập thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã tạo thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và OCOP của địa phương…