Kinh tế trang trại nông thôn ở Tây Bắc

Với ưu thế về đất đai rộng, nhiều tiểu vùng khí hậu, nguồn nhân lực dồi dào, các tỉnh vùng Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La... đã có nhiều giải pháp tập trung phát triển kinh tế theo quy mô trang trại, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Trang trại trồng dâu tây kết hợp du lịch nông nghiệp ở thị xã Sa Pa (Lào Cai).
Trang trại trồng dâu tây kết hợp du lịch nông nghiệp ở thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Bài 1: Phát huy tiềm năng và gắn kết thị trường

Là hai tỉnh miền núi có đường biên giới giáp với các tỉnh của nước bạn Lào, Trung Quốc, Sơn La và Lào Cai có diện tích tự nhiên gần 24 nghìn km2, dân số khoảng 1,9 triệu người với nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống. Tại hai địa phương rất có tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại nông, lâm sản, thủy sản và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Những năm qua, Sơn La, Lào Cai đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất vùng Tây Bắc với hoạt động sản xuất nông nghiệp khởi sắc...

Những mô hình, điểm sáng nơi vùng cao

Giữa tháng 7, đi cùng cán bộ chuyên môn tới thăm cơ sở nuôi và chế biến, kinh doanh cá hồi, cá tầm của gia đình anh Trần Chung Hưng nằm ngay dưới chân Thác Bạc, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), chúng tôi được biết hiện gia đình đã phát triển ba trang trại nuôi cá nước lạnh có quy mô lớn của tỉnh, trong đó có một trại cá giống, hai trại nuôi cá thịt. Gia đình anh Hưng đang tiếp tục đầu tư xây dựng ba trại nuôi cá mới ở Lai Châu và Lào Cai. Tổng số cá thịt hiện nay là 300 nghìn con cá tầm và khoảng 300 nghìn con cá hồi. Ðây là trại nuôi cá đầu tiên ở Lào Cai sử dụng các sản phẩm và công nghệ mới như máy cho ăn tự động, máy lọc nước tuần hoàn, đồng thời sử dụng cám dành riêng cho cá tầm và cá hồi. Thay vì cho ăn thủ công, cá sẽ được ăn nhiều bữa trong một ngày thông qua bảng điều khiển, giúp giảm nhân công và kiểm soát được lượng thức ăn. Ðối với các trang trại lớn, việc sử dụng máy móc giảm chi phí đáng kể về nhân công cũng như thức ăn thừa, nhờ vậy giảm chi phí đầu vào. Ðể tăng cường quảng bá, giới thiệu, anh Hưng đã lập trang web giới thiệu sản phẩm cá hồi. Bên cạnh sản xuất cá thương phẩm, trung bình mỗi ngày, cơ sở nuôi cá đón khoảng 400 lượt khách đến tham quan và thưởng thức những món ăn chế biến từ cá hồi, cá tầm ngay tại hệ thống nhà hàng. Tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 8 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Chia sẻ về việc phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn sản phẩm với thị trường, chị Ðào Thị Hà, ở tổ 1, phường Ô Quý Hồ, người đang sở hữu trang trại hoa ly Dương Hà lớn nhất Sa Pa, cho biết: Nhờ phát huy tốt diện tích đất đai, khí hậu, tôi đã phát triển được hơn 4 ha hoa ly với đủ các lứa thu hoạch vào nhiều thời điểm, phủ kín cả thung lũng đẹp nhất Sa Pa. Hiện chúng tôi đang tạo việc làm cho hàng chục lao động ở trang trại. Mỗi ngày trang trại xuất bán khoảng 10.000 đến 12.000 cành hoa ly cho khách hàng, với giá dao động từ 10 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/cành. Riêng trong tháng 6 vừa rồi, trang trại đã xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn cành hoa ly, thu về hàng trăm triệu đồng.

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), một trong những hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với các sản phẩm hoa quả sấy dẻo chất lượng, được trồng từ vùng chuyên canh theo quy trình VietGAP, hữu cơ, bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Từ việc tận dụng về lợi thế khí hậu, đất đai, hợp tác xã đã sản xuất đưa ra thị trường 24 sản phẩm trái cây sấy dẻo và dược liệu. Nhiều sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP, như: Hồng giòn sấy dẻo, mận hậu, xoài, chuối, đu đủ sấy dẻo… Năm 2023, hợp tác xã tiếp tục liên kết, mở rộng quy mô sản xuất và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.

Sơn La có gần 85 nghìn ha cây ăn quả và cây sơn tra với sản lượng dự kiến đạt hơn 450 nghìn tấn quả, tăng 28% so với năm 2022. Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn, như: Chuối 55 nghìn tấn, mận gần 90 nghìn tấn, xoài 81 nghìn tấn, nhãn 139 nghìn tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường khác, diện tích hơn 4.600 ha với những loại cây ăn quả xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc-ca, sản lượng 46 nghìn tấn và có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu…

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, thông tin: Có được kết quả đó là nhờ phát huy tốt lợi thế về đất đai, khí hậu của địa phương. Tuy nhiên hiện xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có thương hiệu gắn kết với thị trường. Do vậy, ngành đã phối hợp các đơn vị tham mưu cho tỉnh tập trung chỉ đạo làm tốt nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho sản phẩm nông sản, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng cho các hợp tác xã, mô hình kinh tế trang trại.

Tính đến hết năm 2022, Sơn La đã có 24 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Ba sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là cà-phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu; 18 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; ba sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, gồm chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La và khoai sọ Thuận Châu. Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm nông sản sau khi đăng ký thành công thương hiệu đã và đang khẳng định được giá trị, thương hiệu và uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế, góp phần mang lại lợi nhuận cao về kinh tế cho người nông dân.

Vẫn còn những vướng mắc, khó khăn

Tại hai địa phương Sơn La và Lào Cai, trong phát triển kinh tế trang trại vẫn còn một số bất cập, khó khăn. Tại một số cơ sở của các huyện, thành phố chưa có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại hoặc có quy hoạch, nhưng việc xây dựng quy hoạch chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng. Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại một số cơ sở có quy hoạch kinh tế trang trại, nhưng chưa thật sự sát với thực tiễn. Tại một số cơ sở còn lại không có quy hoạch kinh tế trang trại trong quy hoạch phát triển sản xuất nên khi hộ nông dân muốn phát triển trang trại thì chính quyền lại lúng túng trong điều hành, không tạo được sự liên kết giữa phát triển trang trại với sự hình thành các vùng sản xuất tập trung, định hướng phát triển chung về hạ tầng và kể cả thị trường...

Chia sẻ thêm về những vướng mắc, khó khăn chung của người nông dân, cũng như các trang trại, hợp tác xã, ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Hầu hết các hộ nông dân, thành viên đều thiếu vốn sản xuất, thiếu kiến thức, trong khi khả năng kinh doanh để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường, năng lực tự tìm kiếm để tiếp cận các thị trường cao cấp, bảo đảm an toàn thực phẩm... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Vì vậy, mong muốn các hợp tác xã được hỗ trợ, giúp đỡ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho các thành viên phát triển sản xuất, tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý, tập huấn kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường, có phương án sản xuất, kinh doanh để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường, nhất là tiếp cận công nghệ, tín dụng để thực hiện các kế hoạch kinh doanh.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi, hiện nay, việc sản xuất sản phẩm nông sản đặc trưng của các trang trại, hợp tác xã gặp không ít khó khăn bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh... tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất của các mô hình trang trại, hợp tác xã còn hạn chế. Hàng hóa tồn đọng nhiều, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường giảm nên giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, bền vững; thiếu vốn để mở rộng đầu tư sản xuất...

(Còn nữa)