TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm

NDO - Ngày 18/4, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề), xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền, có tính cấp thiết, quan trọng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự kỳ họp.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong quý I/2023, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành quả tích cực.

Các ngành có mức tăng trưởng khá như ngành dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 24,24%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, công nghiệp và dịch vụ chiếm 86,3%.

Thu ngân sách nhà nước đạt gần 125.000 tỷ đồng, chiếm 26% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng gần 70.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện tăng 19,4%. Bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu…

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải ngân đầu tư công chậm, chưa dẫn dắt đầu tư; hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp; thị trường bị thu hẹp…

Trước tình hình đó, quý 1 năm 2023, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát, giám sát có trọng tâm, trọng điểm và bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thành phố, tích cực thực hiện chương trình công tác năm 2023.

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội quý I/2023 (ngày 16/4), Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tập trung hoàn thành quy hoạch, có giải pháp thúc đẩy việc hấp thụ vốn và tiếp cận vốn, giảm nợ xấu cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, cần tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh rà soát công tác nhân sự, xử lý những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, thành lập các Tổ công tác giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn triển khai hiệu quả, khả thi, đạt kết quả cụ thể các chủ trương, chính sách của Chính phủ...

Tại kỳ họp, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án: Tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí Di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn; nâng cấp, cải tạo Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Chánh-Bình Tân; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã; tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13; nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1…

Thành phố tiếp duy trì 3 tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác này tiếp tục giám sát, đưa ra các giải pháp cho từng giai đoạn với kế hoạch cụ thể.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh

Hội đồng nhân dân thành phố sẽ xem xét điều chỉnh mức đầu tư và thời gian thực hiện 6 dự án trên địa bàn gồm: Nâng cấp đường Cao Lỗ (quận 8); xây dựng mới Trường trung học cơ sở Hai Bà Trưng (quận 3); chống ngập khu Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè; khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (giai đoạn 3); xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lần 3 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; xem xét các tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố về mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tờ trình về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tại thảo luận, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đều thống nhất cao với tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất, cho rằng đây là những dự án cấp thiết trên cả hai phương diện, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng lâu dài của thành phố, tạo đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố thấp là do không giải phóng được mặt bằng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành chương trình hành động, quy định trách nhiệm của từng sở, ngành; đưa ra các giải pháp điều chỉnh thủ tục đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Thành phố tiếp duy trì 3 tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác này tiếp tục giám sát, đưa ra các giải pháp cho từng giai đoạn với kế hoạch cụ thể.

Trong đó, sẽ tập trung quan tâm, tháo gỡ cho các ban được giao giải ngân vốn lớn như Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, chiếm 37% vốn. Đồng thời, quan tâm các dự án lớn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu thì vai trò của chủ đầu tư rất lớn.

Hiện nay, chủ trương đầu tư công do các sở chuyên ngành lập, nhưng việc triển khai thực hiện lại là các chủ đầu tư. Sở giao thông luôn theo dõi sát, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho chủ đầu tư.