Các chuyên gia của Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) mới đây nhận định, hoạt động kinh tế suy giảm ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong những tháng đầu năm nay sẽ nhường chỗ cho sự phục hồi trong quý II/2022 do tác động của biến thể Omicron không nặng nề và chính phủ các nước đã nới lỏng dần những hạn chế nghiêm ngặt. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự đoán tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro ở mức 3,9% trong năm 2022.
Tuy nhiên, lạm phát tăng, giá năng lượng tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở thành những nhân tố gây bất ổn, “cản bước” tăng trưởng kinh tế châu Âu. Báo cáo mới nhất của IMF về tình hình kinh tế châu Âu vừa công bố đã bày tỏ quan ngại rằng, trong năm 2021, những hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023. Định chế tài chính này cho rằng, nếu không có những quy định hạn chế nhằm phòng ngừa sự lây lan của đại dịch, tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm ngoái có thể đã tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm. Con số này tương đương “khoảng 1 năm tăng trưởng ở mức trung bình” của nhiều nền kinh tế châu Âu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Riêng với Eurozone, sản lượng sản xuất trong khu vực này có thể đạt mức 6% nếu như không có “những rắc rối về nguồn cung”. Các chuyên gia của IMF quan ngại rằng, gián đoạn nguồn cung vẫn nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và châu Âu, Trung Quốc đều đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới và điều này tiếp tục cản trở đà phục hồi kinh tế của “lục địa già” trong năm nay.
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa cùng với giá dầu lửa tăng vọt đang dẫn đến hệ lụy là lạm phát tăng mạnh ở châu Âu. Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone đã bất ngờ tăng lên 5,1% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1997 và áp lực lạm phát đang tiếp tục “đè nặng” lên nhiều nền kinh tế của khu vực này trong năm nay. Tại Đức, tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank vừa cảnh báo, tỷ lệ lạm phát tại nước này sẽ vượt mốc 4% trong năm 2022. Trong khi đó, lạm phát của Estonia ở mức cao nhất trong hai thập kỷ là 12,2% vào tháng 12/2021; tình hình của Lithuania cũng không khả quan hơn, tốc độ tăng giá cả là hơn gấp đôi so với mức 5% của cả khối. Không chỉ gây áp lực với các chính phủ, “quả bóng lạm phát” nêu trên còn gây thêm áp lực lên Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và điều phối chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế.
Giới phân tích cho rằng, ECB đang bị đặt vào thế khó trong triển khai các chính sách để cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề và bảo đảm được lợi ích chung của các thành viên trong “đại gia đình EU”. Đây là một lý do để mới đây, Chủ tịch ECB phát biểu với báo giới rằng, các thành viên trong hội đồng thống đốc của ECB sẽ xem xét rất cẩn thận các dự đoán tăng trưởng và lạm phát mới của ngân hàng này vào tháng 3, trước khi đưa ra bước đi tiếp theo. Trong khi đó, các nước thành viên EU đang cân nhắc đưa ra chính sách tài chính riêng để “ghìm cương” lạm phát. Bộ trưởng Tài chính Estonia vừa cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc các giải pháp nhằm hạ nhiệt lạm phát thông qua ngân sách. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Lithuania khuyến cáo rằng tình hình kinh tế khác biệt là vấn đề cần được thảo luận tại các cuộc họp của khối. Việc tìm kiếm các chính sách phù hợp cho tất cả là điều khó khăn nên các nước cần “thực hiện những giải pháp trong khả năng của mình”.
Bên cạnh những hạn chế nguồn cung và lạm phát cao, kinh tế EU còn đối mặt các thách thức khác như tình trạng thiếu hụt lao động và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Các chuyên gia của IMF cho rằng, đối với kinh tế EU, những yếu tố này có thể có “ảnh hưởng dai dẳng hơn đến nguồn cung và lạm phát”. Thực tế nêu trên đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo EU phải cùng lúc giải quyết một loạt vấn đề lớn như tháo gỡ các “nút thắt nguồn cung” thông qua thúc đẩy hoạt động vận tải và hậu cần; thực hiện các giải pháp tài khóa linh hoạt để vừa chống lạm phát, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước thành viên; thúc đẩy nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động.