Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp, tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung có tổng diện tích 1.877,37 ha. Tháng 12/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho Công ty cổ phần địa ốc Thái Bình Phát (Công ty Thái Bình Phát) thuê 714,37 ha đất tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung để thực hiện Dự án đầu tư cải tạo rừng, khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do thực hiện dự án không hiệu quả và doanh nghiệp để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng và bị lấn chiếm trái pháp luật cho nên đến tháng 2/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi, giao toàn bộ diện tích dự án của Công ty Thái Bình Phát về Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp quản lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Đỗ Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn 2017-2019, sau khi tiếp nhận diện tích đất được tỉnh giao quản lý, huyện đã rà soát, đánh giá thực trạng tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai tại khu vực này; đồng thời, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn tỉnh, trong đó đồng ý để Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp thực hiện thí điểm thu hồi, giải phóng mặt bằng trên diện tích khoảng hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung.
Huyện ủy Ea Súp đã tổ chức nhiều hội nghị để thảo luận, thống nhất quan điểm, chủ trương, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai trên địa bàn; ban hành nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, chỉ thị, văn bản tập trung lãnh đạo thực hiện thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung.
Trong giai đoạn 2020-2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Ea Súp là “tập trung lãnh đạo xử lý các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm, mua bán, dựng nhà ở, lán trại trái phép trên đất lâm nghiệp…”; đồng thời, thực hiện các kết luận giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 1287 tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thu hồi đất đai bị lấn chiếm.
Huyện ủy Ea Súp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Giai đoạn này, huyện Ea Súp đã hoàn thành toàn bộ việc đo đạc diện tích đất bị xâm chiếm ngoài thực địa, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định xử lý vi phạm, quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với các trường hợp xâm chiếm đất trái phép tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung, với tổng diện tích 556,49 ha.
Từ cuối năm 2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, văn bản chỉ đạo của Bộ Công an và sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ rất lớn của Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, nhất là hỗ trợ nắm tình hình địa bàn, đối tượng, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, sử dụng biện pháp nghiệp vụ gọi hỏi, răn đe các đối tượng nổi cộm, bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự… phục vụ công tác thu hồi đất tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung.
Bên cạnh đó, huyện Ea Súp thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vụ việc phức tạp về quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng, khiếu kiện trên địa bàn huyện, đưa nhiệm vụ thu hồi đất tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung vào danh sách theo dõi, chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo 754 huyện.
Sau khi hoàn thành việc đo đạc ngoài thực địa, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản, thành lập các ban, tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế, phương án bảo đảm an ninh trật tự,… Trong năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kiên trì áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp để thu hồi toàn bộ diện tích đất bị lấn chiếm, trong đó đặc biệt quan trọng là chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động cá biệt kết hợp với biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an và kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống hằng ngày của người dân, hướng dẫn, tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch, hộ khẩu, đất đai, giải quyết các nhu cầu chính đáng của từng đối tượng vi phạm, hỗ trợ, vận động trẻ đi học,… để các đối tượng tin tưởng, đồng thuận với chính quyền, tự nguyện trả lại đất.
Theo đó, từ ngày 19/6 đến ngày 11/10/2024, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục được 129 hộ tự nguyện trả lại đất, tăng 25 hộ so với các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, với diện tích đã thu hồi là 622,27/556,49 ha, đạt 111% so với diện tích dự kiến thu hồi mà không phải tổ chức cưỡng chế.
Ngay sau khi người dân tự nguyện trả lại đất, huyện Ea Súp đã giải phóng mặt bằng tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung, trong đó phải xử lý diện tích cây lâu năm là 169,20 ha và diện tích cây hằng năm là 227,63 ha và 80 chòi, lán. Qua ba đợt giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2024, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã giải phóng mặt bằng toàn bộ 622,27 ha của 129 hộ; trong đó tổ chức cắt hạ 169,20 ha diện tích cây lâu năm như điều, xoài; cày phá 227,63 ha diện tích cây hằng năm gồm mía, mì, đậu; tháo dỡ 79/80 chòi, lán; một chòi hộ gia đình xin tự tháo dỡ, còn lại khoảng 225,44 ha là đất trống. Ngoài ra, huyện Ea Súp còn vận động, tuyên truyền cùng hộ gia đình tháo dỡ 15 chòi, lán ngoài đợt giải phóng mặt bằng này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp Đỗ Xuân Dũng cho biết, sau khi thu hồi và giải phóng mặt bằng hơn 622 ha tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Ea Bung tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thu hồi, không để tái lấn chiếm; bổ sung vào phương án, kế hoạch sử dụng đất của xã. Công an huyện tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong các hộ dân đã đồng thuận và tự nguyện trả lại đất, ngăn ngừa trường hợp bị các thế lực thù địch, đối tượng xấu lôi kéo, kích động quay lại gây rối, đòi lại đất.
Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét, ưu tiên tăng cường nguồn lực bố trí đầu tư phát triển hạ tầng, bảo tồn, phát huy văn hóa, ngành nghề truyền thống, du lịch văn hóa cộng đồng… cho năm buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Ea Súp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập tại chỗ cho người dân, hạn chế du canh, du cư xâm chiếm đất đai, đồng thời đề nghị tỉnh xem xét, sớm kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung để nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ đất lâm nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Ea Súp Bùi Hồng Quý đánh giá, việc thu hồi hơn 622 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung là phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, công tác thu hồi được tổ chức một cách bài bản, quy mô với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành của tỉnh, đặc biệt là Công an tỉnh cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã với những giải pháp vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn nên đã hoàn thành công tác thu hồi đất mà không phải tổ chức cưỡng chế. Đây cũng là cơ sở, kinh nghiệm để chính quyền địa phương tiếp tục công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Lưu Minh Đức cho rằng, trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Ea Súp nói riêng, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Việc tổ chức thu hồi hơn 622 ha đất lâm nghiệp mà không phải cưỡng chế như huyện Ea Súp là chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh. Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng để các địa phương vận dụng.