EVFTA tác động tích cực thị trường công nghệ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ Công ty Rouse International Limited khi xem xét phương thức thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), thì các chính sách có liên quan của Chính phủ đối với hiệp định đang tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường công nghệ trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư dựa trên công nghệ, thu được lợi ích từ EVFTA cùng nhiều ưu đãi. Ảnh: HẢI NAM
Các nhà đầu tư dựa trên công nghệ, thu được lợi ích từ EVFTA cùng nhiều ưu đãi. Ảnh: HẢI NAM

Bất chấp những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu. Theo Sách Trắng năm 2021 của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, với lạm phát ở mức một con số, điều này tiếp tục làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ hậu đại dịch và những kinh nghiệm có được trong hai năm qua cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số và công nghệ trong thời gian phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, EVFTA đang tiếp tục mở đường cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU. Đây là hiệp định thương mại tự do toàn diện đầu tiên giữa EU và Việt Nam, có tác động tích cực tới môi trường thương mại và đầu tư. EVFTA đã giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khối ASEAN và được xếp hạng là một trong 10 nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường EU.

Hiện tại, dự báo đối với thị trường công nghệ trong nước rất tích cực với những cơ hội và thay đổi hấp dẫn khi Chính phủ ưu tiên FDI liên quan đến công nghệ, cho thấy những khát vọng về một nền kinh tế số và công nghệ cao của Việt Nam và EVFTA có thể trở thành một nền tảng để xây dựng các mối quan hệ hợp tác về công nghệ và tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU. Điều này sẽ phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả EVFTA trong một môi trường kinh doanh với cơ sở hạ tầng được nâng cao, các thủ tục hành chính dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho sự hợp tác. Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, phải có các biện pháp cải thiện về hoạt động để đạt hiệu quả nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của EU.

Năm 2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình phục vụ mục đích kép là phát triển chính phủ số, nền kinh tế và xã hội, cũng như thành lập các doanh nghiệp số Việt Nam với năng lực toàn cầu. Việc khởi động chương trình trùng với thời điểm EVFTA có hiệu lực, giúp Việt Nam và EU xác định các cơ hội hợp tác và cùng phát triển. Nằm trong chương trình, Luật Giao dịch điện tử hiện đang được cập nhật và sửa đổi các điều khoản, bao gồm chữ ký số, định danh số và hợp đồng điện tử... để hỗ trợ nền kinh tế số đang phát triển nhanh của Việt Nam và đưa ra được các quy định pháp lý đầy đủ và hoàn chỉnh.

Các quy định về đầu tư cũng đang được cải cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư dựa trên công nghệ, để thu được lợi ích từ EVFTA và được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Vào tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư, được xác định theo tiêu chí công nghệ cao, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước... Những hình thức khuyến khích này có thể thu hút thêm vốn FDI, cải thiện môi trường kinh doanh và cuối cùng là mang lại các khoản đầu tư chất lượng hơn.

Với những thay đổi về thuế quan và để hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế theo EVFTA, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phù hợp với Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN để cập nhật về công nghệ, thương mại và phân loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việt Nam áp dụng quy định này và cứ 5 năm một lần, các đánh giá lại được thực hiện để bảo đảm tính nhất quán với các điều khoản trong danh mục.

Để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong khoa học và công nghệ, cần thiết phải có luật sở hữu trí tuệ mạnh mẽ và minh bạch. Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được thông qua gần đây phản ánh nỗ lực tuân thủ EVFTA. Thí dụ, luật sửa đổi bao gồm các quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet trong trường hợp vi phạm bản quyền để bảo đảm bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ trên mạng internet. Đẩy mạnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong nhiều nỗ lực mà Việt Nam có thể thực hiện để thu hút đầu tư nhiều hơn từ EU.

EVFTA tác động tích cực thị trường công nghệ ảnh 1

Theo chỉ số môi trường kinh doanh trong quý II/2022 của EuroCham, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu có cái nhìn tích cực về triển vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cụ thể, 79% số người tham gia khảo sát cho biết đánh giá của họ về tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam được cải thiện so với quý I và 90% cho rằng thúc đẩy phát triển lĩnh vực xanh sẽ thu hút vốn FDI nhiều hơn.

Nhìn từ các chính sách như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam năm 2012 và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các nỗ lực liên tục đang được thực hiện về nhận thức và nâng cao năng lực. EVFTA phối hợp các nỗ lực của chính phủ bằng cách cho phép Việt Nam tiếp cận với các công nghệ hiện đại từ EU, điều này sẽ thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và năng lượng tái tạo cũng như giúp các sản phẩm sản xuất trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU. Đổi lại, điều này sẽ góp phần vào việc tung ra các ngành công nghiệp và sản phẩm mới, có thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong tương lai.

Nhưng thực thi EVFTA không phải là không có thách thức. Vì mặt hàng xuất khẩu chính của EU là các sản phẩm công nghệ cao, việc dỡ bỏ thuế quan sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm chất lượng cao không bị áp thuế của EU được đưa vào Việt Nam nhiều hơn. Nguồn lực hạn chế với các công ty nhỏ hơn và thiếu khả năng công nghệ cao so với các nhà sản xuất EU là hạn chế cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện năng lực để cạnh tranh tốt hơn về chất lượng, chức năng và độ tin cậy. Đầu tư vào nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giáo dục công nghệ thông tin sẽ đưa đến năng suất cao hơn. Do đó, phải đưa những sự đầu tư trên thành yếu tố cần phải thực hiện để nâng cao năng lực, cải thiện hoạt động sản xuất và hiệu quả công việc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao của EU.

Là thị trường phát triển nhanh thứ hai Đông Nam Á với nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh, Việt Nam hứa hẹn trở thành cường quốc kỹ thuật số trong khu vực. Để hiện thực điều đó, chúng ta phải có cách tiếp cận thực dụng và cởi mở. Điều này bao gồm các nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo ra các yếu tố thuận lợi cho sự hợp tác, cung cấp nhiều ưu đãi và loại bỏ các hạn chế để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, thuận lợi cho cả doanh nghiệp địa phương và các nhà đầu tư EU.