Kiều bào Thái Lan với nét đẹp ngày Xuân Giáp Thìn

NDO - Đúng ngày cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp, chúng tôi đến thăm gia đình bác Nguyễn Văn Hòa và vợ là bác Võ Thị Bình tại xã Bangtoei, huyện Samkhok, tỉnh Pathum Thani thuộc miền Trung của Thái Lan. Đối với nhiều kiều bào ở Thái Lan, bắt đầu ăn Tết được tính từ khi làm lễ cúng ông Công, ông Táo.
0:00 / 0:00
0:00
Bác Hòa cùng kiều bào lễ tạ tổ tiên, các vị thần thổ địa, thổ công Táo quân.
Bác Hòa cùng kiều bào lễ tạ tổ tiên, các vị thần thổ địa, thổ công Táo quân.

Trong ngôi nhà khang trang mới cất trong khuôn viên rộng hơn 2.000m2, bác Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, đây là năm đầu tiên gia đình bác lập bàn thờ ở nhà mới nên bác rất phấn khởi vì giờ cuộc sống đã ổn định, kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, bác Hòa cho biết, trước đây ở Đông Bắc Thái Lan, nhưng dù ở bất cứ đâu, bác đều cố gắng gìn giữ các phong tục tốt đẹp của người Việt Nam. Để chuẩn bị cho lễ cúng ông Công, ông Táo năm nay, gia đình bác đã tất bật mấy hôm nay, từ việc đi mua đồ cúng lễ, chuẩn bị các đồ ăn cho mâm cỗ thêm phần đầy đặn, đúng hương vị truyền thống.

Trên bàn thờ chúng tôi còn thấy có âu nước nhỏ, trong có 3 con cá vàng, bác Hòa vui vẻ cho biết, bản thân đã đi hàng chục km đến chợ bán động vật cảnh Chatuchak để mua về để phóng sinh trong dịp này.

Bên cạnh mâm cơm với các món bánh chưng, gà luộc, nem rán, xôi vò, các loại nộm và một số đồ ăn của Thái Lan, bác Hòa cho biết, quê ở làng Lệ Sơn, xã Văn hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nhưng bác vẫn nhớ các món ăn ở đó, nên một số món ăn khi làm và nấu cũng cố gắng giống như ở quê, như bánh chưng và món xôi vò. Cả hai bác mặc dù đã mở nhà hàng ăn từ hàng chục năm nay tại Thái Lan nhưng vẫn tự tay làm các món ăn cho mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.

Kiều bào Thái Lan với nét đẹp ngày Xuân Giáp Thìn ảnh 2

Bác Hòa cho biết, kiều bào tại Thái Lan rất phấn khởi khi nghĩ về đất nước mỗi khi Tết đến, xuân về.

Mâm lễ đã đầy đặn, bác Hòa kính cẩn thắp nến, thắp hương và cùng một số kiều bào lễ tạ tổ tiên, các vị thần thổ địa, thổ công Táo quân, cầu mong cho gia đình và cộng đồng được mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, quê hương, đất nước luôn thanh bình, phát triển.

Bác Hòa luôn tâm niệm, lễ cúng là một nét phong tục, tín ngưỡng đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt và ở Thái Lan, kiều bào ta vẫn luôn gìn giữ như một phần của bản sắc dân tộc, đặc biệt mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Đứng bên cạnh bàn thờ, bác Hòa phấn khởi, mấy hôm đã đi tìm được tấm ảnh Bác Hồ để kịp thành kính đưa lên bàn thờ đúng dịp này. Bác luôn coi mình là con cháu Lạc Hồng, luôn hướng về cội nguồn, luôn tin tưởng vào Đảng và tin chắc rằng, Đảng ta là Đảng vinh quang, luôn quan tâm kiều bào, một phần máu thịt, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Cùng đến dự buổi lễ cúng ông Công, ông Táo với gia đình bác Hòa, cô Nguyễn Thị Lý rất xúc động và cho biết, mỗi dịp Tết đến như thế này, cô luôn nhớ về quê hương, nhớ về những người bạn ở Việt Nam. Cô bảo, chim có tổ, người có nguồn, chúng tôi là con cháu của dân tộc Việt Nam, không bao giờ quên Việt Nam. Nhân dịp năm mới, kiều bào ở Thái Lan xin gửi lời chúc tới các bác lãnh đạo Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam luôn mạnh khỏe, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, đi lên.

Kiều bào Thái Lan với nét đẹp ngày Xuân Giáp Thìn ảnh 3

Bác Hòa cùng kiều bào thả cá bên dòng sông Chao Phraya, tỉnh Pathum Thani.

Sau lễ cúng, bác Hòa cùng một số kiều bào tại Thái Lan đã cùng nhau lên chùa thả cá phóng sinh. Từ từ thả từng con cá xuống dòng sông mát lạnh, bác Hòa cầu mong gia đình ngày càng hạnh phúc, làm ăn tấn tới, kiều bào ta ngày càng đoàn kết, một lòng hướng về quê hương, đất nước.

Quây quần bên mâm cơm sau khi thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời, các bác, cô, chú kiều bào lại có dịp thăm hỏi, động viên lẫn nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Cùng dự, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng, bởi luôn bắt gặp những nụ cười tươi rói cùng niềm tin luôn hướng về quê hương của cộng đồng kiều bào ở Thái Lan.