Trong các nội dung quan trọng diễn ra hôm nay, các diễn giả, chuyên gia trên các lĩnh vực, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành đã trình bày, thảo luận các chuyên đề: “Đẩy mạnh cải cách thể chế-Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội” và “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Chiều nay, các đại biểu tham dự Diễn đàn tiến hành phiên toàn thể (tọa đàm cấp cao) với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Đánh giá kết quả chương trình làm việc, tóm tắt ý kiến của các đại biểu, diễn giả trong nước và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Diễn đàn đã khẳng định, việc củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu.
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế và đây là nội dung xuyên suốt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại Diễn đàn này, Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, cho rằng trong khi thế giới tăng trưởng thấp, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, và khi thế giới lạm phát cao thì Việt Nam ở mức lạm phát thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các diễn giả cũng đánh giá chỉ số chống chịu, tự cường nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình và khá, nhưng các chính sách từ vĩ mô, tài khóa đến tiền tệ phối hợp các chính sách thương mại đều đang đi rất đúng hướng.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ trân trọng cảm ơn và đánh giá rất cao các đại biểu, diễn giả đều thống nhất bên cạnh mục tiêu ngắn hạn, đã nhấn mạnh sự cần thiết quan tâm các mục tiêu lâu dài.
Các đại biểu đã đề nghị tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, giải quyết bài toán về quy hoạch trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu nêu là Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vì mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự cường…
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Diễn đàn được tổ chức với Phiên Toàn thể-Tọa đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề, thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương, đông đảo đội ngũ giảng viên, sinh viên nhiều trường đại học, học viện.
Các đại biểu đã nhấn mạnh, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển sau những tác động nặng nề của dịch bệnh.
Ý kiến đánh giá của nhiều diễn giả và các đại biểu cho thấy các chính sách đã dần đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, nhất là các chính sách giảm thuế, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Quang cảnh Bế mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022. (Ảnh: DUY LINH) |
Các đại biểu và diễn giả cũng đã đề cập các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội mặc dù đạt được những thành tựu, tuy nhiên, bối cảnh hiện nay có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết 43.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này đặt ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh trong quá trình thực thi nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn, cần bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình, nhất trí cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu đề nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia, là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.
Qua chương trình làm việc, các chuyên gia đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ, tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thể chế với sự thịnh vượng của một quốc gia; và nhấn mạnh, đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước.
Trong thời gian tới, theo nhiều ý kiến của học giả, chuyên gia kinh tế, Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Vấn đề quan trọng nữa là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật; đặc biệt khẩn trương sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai đang được xã hội rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: những thông tin quý, hữu ích tập hợp từ Diễn đàn lần này với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.
Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.