Kiên quyết chấn chỉnh cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm khi thực thi công vụ

Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hiện nay có thực trạng một số cán bộ đùn đẩy, né tránh, không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ khiến một bộ phận người dân giảm niềm tin. Tại Hội nghị Gặp mặt, đối thoại các vướng mắc thủ tục về đất do Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ vừa tổ chức tháng 7 vừa qua, nhiều người dân phản ánh gặp khó khăn khi đi làm các thủ tục về đất do công chức địa chính phường thờ ơ, làm việc kiểu “trì hoãn”...
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lương Văn Chựa, Trưởng ban Him Lam 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ phản ánh khó khăn của người dân khi thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Lương Văn Chựa, Trưởng ban Him Lam 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ phản ánh khó khăn của người dân khi thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại buổi gặp mặt đối thoại ngày 23/7 vừa qua, không ít người đại diện cán bộ, nhân dân các phường: Him Lam, Thanh Trường, Noong Bua, Tân Thanh… thẳng thắn cho biết, họ khó khăn trong việc làm hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai bắt nguồn từ công chức địa chính xã, phường.

Đủ kiểu khó khăn

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Chiểu, người dân phường Him Lam cho biết: Cán bộ địa chính có dấu hiệu thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Khi tiếp nhận hồ sơ không kiểm tra, không hướng dẫn. Đợi vài tháng sau không có thông tin phản hồi, người dân ra hỏi thì cán bộ trả lại hồ sơ.

Cùng phường Him Lam, ông Nguyễn Tiến Dự phản ánh: Sau bốn năm làm đơn, hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, đến ngày 23/7/2024, gia đình ông mới có tên trong danh sách được xem xét. Nguyên nhân là cán bộ địa chính phường (thời điểm trước) cứ vẽ ngang, vẽ dọc sơ đồ thửa đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, cho nên hồ sơ đến Phòng Tài nguyên-Môi trường thành phố thì bị gác lại nhưng không ai thông tin lại cho dân; không ai hướng dẫn để hoàn thiện…

Ông Lường Văn Chựa, Trưởng bản Him Lam 2, phường Him Lam cho biết: Tách ra từ bản Him Lam để nhường đất sản xuất, nhường mặt bằng xây dựng các công trình, bố trí đất khi chuyển tỉnh lỵ từ thị xã Lai Châu (cũ) về, đến nay đã gần 50 năm, vậy mà người dân bản Him Lam 2 vẫn loay hoay với việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Gia đình nào cũng thêm con, thêm cháu trong khi đất không thêm, rất nhiều gia đình phải chịu cảnh sống chen chúc vài thế hệ dưới một mái nhà. Muốn tách thửa, chuyển mục đích đất để con cái ở riêng cũng không làm được vì cán bộ địa chính phường sau khi kiểm tra bản đồ đều khẳng định là đất ruộng, trong khi thực tế ruộng không có nước, chung quanh người dân xây nhà bê-tông, xây công trình kín mít.

Một người dân khác là bà Trần Bích Cảnh cho biết, để làm được giấy tờ cho thửa đất bố mẹ chồng bà đã khai hoang ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bản thân bà phải đi lại rất nhiều lần, nhưng sau đó qua người làm “dịch vụ” thì làm được sổ đỏ cho thửa đất. Chính việc này khiến người dân tốn kém, giảm niềm tin ở chính quyền và rất nản khi cần phải làm các thủ tục về đất đai.

Kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu

Ghi nhận toàn bộ các kiến nghị, phản ánh của nhân dân về vướng mắc khi thực hiện các thủ tục đất đai thời gian qua, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ cho rằng, phản ánh của nhân dân về thái độ, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức mà cụ thể là công chức địa chính phường là có cơ sở. Đó cũng chính là một trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ hồ sơ được chấp nhận chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố các năm trước đều rất thấp.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng dẫn chứng: Theo danh sách đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt, năm 2023 toàn thành phố có 139 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân, nhưng chỉ có 35 hộ gia đình, cá nhân thực hiện lập và nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (đạt 25%); số hồ sơ đủ điều kiện được Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định cho phép chuyển mục đích là 9/35 (đạt 26%). Kết quả nêu trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu từ đất của thành phố và cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, công chức thành phố, các phường, xã.

Kiên quyết chấn chỉnh các cá nhân là công chức địa chính cơ sở thường xuyên bị nhân dân phản ánh, từ năm 2022 đến nay, thành phố Điện Biên Phủ đã giao cơ quan thanh tra của thành phố thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công chức đối với đội ngũ công chức cấp xã, phường. Qua thanh tra, thành phố quyết định điều chuyển công tác chín công chức địa chính thuộc UBND các phường, xã: Mường Thanh, Tân Thanh, Noong Bua, Thanh Trường, Thanh Bình, Thanh Minh, Pá Khoang.

Kiên quyết chấn chỉnh cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm khi thực thi công vụ ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ tiếp nhận, trả lời các kiến nghị của nhân dân.

Ngoài việc thẳng thắn nhận trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo giải quyết công việc, tại buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Quang Hưng hứa với người dân sẽ kiên quyết chỉ đạo, không để tái diễn các hành vi của một số cá nhân như trước. Tinh thần chỉ đạo của thành phố là mỗi cán bộ, công chức thành phố và cấp xã, phường phải tự chấn chỉnh, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, thuận lợi nhất.

Cùng với việc công khai số điện thoại đầu mối tiếp nhận thông tin, đồng chí Nguyễn Quang Hưng còn chỉ đạo thành lập nhóm Zalo tiếp nhận phản ánh và các đề nghị về đất đai công khai đến nhân dân. Mỗi người dân khi có nhu cầu, kiến nghị, phản ánh về hồ sơ, thủ tục hay cần giải đáp vấn đề gì thì trực tiếp gửi câu hỏi vào nhóm để cán bộ chuyên môn thành phố trả lời. “Trả lời nhanh-chậm, thông tin phản ánh trong nhóm đều được coi là kết quả giải quyết công việc của từng cá nhân cán bộ, công chức”-đồng chí Nguyễn Quang Hưng khẳng định.

Đồng chí Chử Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Điện Biên Phủ đề nghị, hằng tuần, bí thư đảng ủy các phường, xã phải nắm bắt từ ủy ban nhân dân cùng cấp việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục, giấy phép liên quan trực tiếp người dân, từ đó đánh giá kết quả, năng lực, thái độ làm việc của từng cán bộ chuyên môn. Với riêng đội ngũ công chức địa chính xã, phường, thì bí thư đảng ủy các phường, xã phải sát sao hơn, nắm chắc kết quả công việc theo ngày, theo tuần; Phòng Tài nguyên-Môi trường thành phố phải rà soát lại đầu việc, nếu chậm phải có thông tin và phải xin lỗi nhân dân.

Giao việc, giao thời gian giải quyết

Thông báo cụ thể kế hoạch sử dụng đất của thành phố đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt đến nhân dân, đồng chí Nguyễn Quang Hưng cho biết: Theo Quyết định 1248/QĐ-UBND ngày 9/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong năm 2024 thành phố Điện Biên Phủ có 217 hộ gia đình, cá nhân đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, với diện tích 40.158,17 m2.

Để tạo thuận lợi cho người dân khi hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, đồng chí Nguyễn Quang Hưng yêu cầu các phòng, ban chuyên môn thuộc thành phố và các xã, phường phải chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân hoàn thiện thủ tục đúng quy định; cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp phải tận tâm, nhiệt tình, tư vấn cụ thể các bước để nhân dân thuận lợi khi thực hiện; thay vì để người dân phải loay hoay đi tìm cách, phát sinh chi phí vừa tốn kém vừa không đúng quy định; đồng thời cán bộ, công chức các phòng, ban liên quan phải thực hiện nghiêm đạo đức công vụ; tận tâm, tận tụy với công việc, với nhân dân.

Riêng với Chi nhánh Văn phòng đất đai thành phố, đồng chí Nguyễn Quang Hưng yêu cầu cử cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ nhân dân; trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá ba ngày làm việc phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố phải thực hiện đúng thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Các trường hợp đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất thì Chi nhánh Văn phòng đất đai thành phố phải chuyển thông tin và hướng dẫn người thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, đồng thời cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.