Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang giao chính quyền tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng thêm các khu cách ly tập trung và thu dung điều trị F0.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, địa phương phải duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất để hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trên địa bàn, tạo nguồn lực để phòng chống dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Sau ngày 6/9, các địa phương được giảm giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống mức độ giãn cách thấp hơn thì các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động như: nhà máy, xí nghiệp; hoạt động xây dựng và các cơ sở, nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư xây dựng; hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; cơ sở sản xuất kinh doanh cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, cây, con giống, dịch vụ cho các hoạt động trên.
Các hoạt động vận tải hàng hóa lưu thông (hàng hóa thiết yếu), và có thể xem xét cho hoạt động vận chuyển người ở một số khu vực nhất định (taxi phục vụ cho bệnh viện để chở người).
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang thống nhất phương án tổ chức năm học mới 2021-2022 trên địa bàn tỉnh theo hai phương án. Phương án 1, đến ngày 20/9 (tình hình dịch Covid-19 của tỉnh được kiểm soát), cho tất cả học sinh từ mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đến trường học tập bình thường, nhưng phải bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Phương án 2, đến ngày 20-9 (tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp), học sinh sẽ học qua internet.
Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đến hết ngày 6/9, số ca mắc Covid-19 tại Kiên Giang là 2.610 ca, có 2.021 ca đang điều trị, 13 ca tử vong, số người đang cách ly tập trung là 2.467.