Đây là nhận định được các chuyên gia, học giả đưa ra tại tọa đàm khoa học “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại”, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc phối hợp tổ chức chiều 7/11 tại Hà Nội.
Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa 2 đầu cầu Việt Nam và Trung Quốc, tọa đàm thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, các chuyên gia, học giả Việt Nam cùng các chuyên gia, học giả của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, buổi tọa đàm được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, sự kiện lịch sử đã tạo tiền đề cho sự phát triển của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới suốt hơn 100 năm qua.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam ngày hôm nay chính là sự phát huy từ bước ngoặt lịch sử vĩ đại đó.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng được tổ chức ngay sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư hai nước đã trao đổi rất sâu rộng về sự phát triển lâu dài của 2 nước, đưa ra những định hướng cho hợp tác thiết thực trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực trao đổi học tập và nghiên cứu lý luận.
Nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới, ông An Hiểu Vũ, Chủ nhiệm Trung tâm Các chương trình ngôn ngữ Á-Phi, Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết: “Tôi từng nhiều lần tới thăm Việt Nam, tận mắt chứng kiến sự phát triển và tiến bộ của Việt Nam trong những năm qua, cảm nhận được tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước”.
Theo ông, cuộc tọa đàm lý luận hôm nay đã thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư hai Đảng trong tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản lý Đảng và đất nước, làm sâu sắc giao lưu về lý luận giữa hai Đảng.
Các chuyên gia, học giả Việt Nam và Trung Quốc cùng thảo luận những kết quả đạt được và bài học rút ra trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. (Ảnh: THI UYÊN) |
Theo ông An Hiểu Vũ, chế độ chính trị 2 nước Việt Nam-Trung Quốc giống nhau, con đường phát triển tương đồng, tiền đồ vận mệnh tương quan.
Sự thành công của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như cuộc gặp thành công giữa Tổng Bí thư hai Đảng đánh dấu quan hệ Việt-Trung bước sang giai đoạn mới then chốt.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, học giả Việt Nam và Trung Quốc đã cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu trong việc vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, cùng với chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, củng cố vững chắc địa vị Đảng Cộng sản ở cả 2 nước.
Các tham luận tại tọa đàm tập trung vào các vấn đề “tự làm cách mạng chính mình” của Đảng; cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và thế giới hiện nay; xây dựng Đảng vững mạnh - nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và gợi mở đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền; thúc đẩy đoàn kết và hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong khuôn khổ tọa đàm, chương trình cũng giới thiệu cuốn sách “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoàn, Trưởng khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ biên, được Nhà xuất bản Lý luận chính trị phát hành.
Cuốn sách này là tập hợp bài viết của các học giả Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện thành quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lý luận chính trị Việt-Trung, trình bày toàn diện kinh nghiệm phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, qua đó làm cơ sở tham khảo cho việc xây dựng chế độ ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác.