Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, giáo sư Phan Kim Nga bày tỏ hết sức tâm đắc với bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giáo sư cho rằng việc công bố bài viết có ý nghĩa trọng đại, thể hiện những nhận thức mới của các nhà lãnh đạo và lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đại diện tiêu biểu, về chủ nghĩa Mác, CNXH trên thế giới cũng như con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới.
Theo giáo sư Phan Kim Nga, bài viết đã luận giải về CNXH khoa học dựa trên thực tiễn của Việt Nam, nhất là tập trung giải đáp các câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?
Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua thể hiện những nhận thức toàn diện về CNXH trên thế giới và con đường phát triển CNXH ở Việt Nam cho thấy trình độ nhận thức ngày càng sâu sắc và hệ thống lý luận không ngừng hoàn thiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về những đặc trưng mang tính bản chất, giai đoạn phát triển, động lực chủ yếu cũng như các lực lượng, điều kiện bên trong và bên ngoài để xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Theo học giả Trung Quốc, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra câu trả lời rõ ràng về vấn đề Việt Nam đang ở đâu và sẽ đi về đâu, từ đó khẳng định sự kiên định lập trường chính trị và định hướng phát triển CNXH ở Việt Nam.
Về hợp tác và giao lưu giữa hai nước trong xây dựng CNXH, giáo sư Phan Kim Nga cho rằng, còn tiềm năng và dư địa rất rộng lớn, bởi hai nước đều đang tìm tòi và xây dựng CNXH mang đặc sắc của nước mình, theo định hướng lý luận mác-xít.
Do vậy, hai bên có thể cùng nhau trao đổi các nội dung như nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác, các tư tưởng cơ bản của CNXH, phân định các giai đoạn phát triển CNXH, xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa, quy luật và kinh nghiệp cầm quyền của đảng cộng sản; các xu hướng, đặc trưng, quy luật phát triển của CNXH trên thế giới, mối quan hệ giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản, công tác hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển đất nước, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ…
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của hợp tác kênh Đảng trong tổng thể quan hệ song phương, bà Phan Kim Nga cho rằng, quan hệ chính đảng có vai trò quan trọng đối với quan hệ giữa các quốc gia, trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều là đảng mác-xít cầm quyền với tư tưởng chỉ đạo là chủ nghĩa Mác, lấy lý luận mác-xít làm kim chỉ nam cho hành động, lấy xây dựng chủ nghĩa cộng sản là định hướng phát triển và mục tiêu cao nhất.
Trong suốt 72 năm qua kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, sự lãnh đạo đúng đắn của hai Đảng đã góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ song phương, nhất là vào những thời khắc lịch sử quan trọng, lãnh đạo hai Đảng đã xác định rõ vị trí và đưa ra định hướng đúng đắn, để quan hệ hai nước có thể vượt qua khó khăn, trở lại quỹ đạo phát triển bình thường.
Từ năm 2021, hai Đảng đều tuyên bố, sự nghiệp xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước bước vào giai đoạn phát triển mới, mở ra tiến trình mới trong xây dựng và hiện đại hóa đất nước. Từ xuất phát điểm lịch sử mới, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo hai Đảng đều nhất trí làm sâu sắc hơn và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước bước lên tầm cao mới.
Vị học giả Trung Quốc cho rằng, bảo đảm vị thế cầm quyền của Đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược chung căn bản nhất của cả hai Đảng, hai nước. Do vậy, hai bên cần tăng cường trao đổi về lý luận mác-xít và kinh nghiệm xây dựng CNXH, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn quản trị đất nước, đào tạo đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận, hợp tác báo chí truyền thông, phát huy vai trò các cơ quan báo chí, nhất là báo chí của Đảng trong định hướng dư luận, đẩy mạnh giao lưu giữa thanh niên hai nước…
Giáo sư Phan Kim Nga nhấn mạnh, trước những biến động to lớn của thế giới cũng như tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hai nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trung Quốc đứng trước thời cơ và cả thách thức to lớn trong quá trình phát triển.
Hai bên cần kiên trì sự định hướng đúng đắn của hai Đảng, tìm kiếm tư tưởng và nhận thức chung, tăng cường niềm tin chiến lược, vượt qua trở ngại, nhất là xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, thúc đẩy hợp tác phát triển, nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.