Hiện, tại các địa phương, tôm hùm đất (có tên khoa học là Procambarus clarkii) được bày bán công khai tại chợ hoặc mạng xã hội với giá khoảng 400 nghìn đồng/kg. Điều đáng nói, hầu hết tôm hùm đất được người dân nhập lậu về bán mà không biết tác hại. Cụ thể, đây là loài ăn tạp, thích đào hang sâu và có thể phá hoại mùa màng; đồng thời, làm hỏng hệ thống đê điều, xói mòn sông, suối và tiêu diệt các loài tôm, cá bản địa… Nguy hiểm hơn, loài vật này là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, như: Bệnh đốm trắng, nấm trên tôm và một số bệnh cho động vật có vú…
Trước đây, một số tỉnh như: Ninh Bình, Phú Thọ và Hà Nam từng nhập khẩu loài tôm này để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, trước những tác hại nguy hiểm của tôm hùm đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) đã đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu và không phát triển nuôi, nhân giống; nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi mua bán, phát tán loại tôm này ra môi trường…
Tại Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì tôm hùm đất (Procambarus clarkii) không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại thì Procambarus clarkii thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại...
Cũng bởi tác hại to lớn của loài này mà nhiều quốc gia đã có quy định cấm nuôi, nhân giống tôm hùm đất. Một số nước cho phép nuôi thường vì mục đích kinh tế và có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng đi kèm là các quy định quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Không chỉ có tôm hùm đất, trước đây chúng ta đã từng trả giá khi nuôi những sinh vật ngoại lai gây hại cho môi trường, như: Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm càng đỏ,… Những loài động vật này đều có đặc điểm chung là ăn tạp, sinh sản nhanh, thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau; phá hoại mùa màng, lây nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, loài tôm hùm này còn nguy hại hơn những sinh vật ngoại lai nêu trên bởi đặc tính bò rất nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt và khả năng phá hoại mùa màng mạnh hơn ốc bươu vàng nhiều lần.
Do vậy, việc Tổng cục Hải quan ban hành văn bản nêu trên được xem là giải pháp thiết thực, thể hiện sự thực thi nghiêm minh các quy định về nhập khẩu và mua bán thủy sản; qua đó, góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học bản địa và sức khỏe cộng đồng, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp của nước ta. Tuy nhiên, để những giải pháp này thật sự có hiệu quả, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, kiến thức và chủ động nói không với tôm hùm đất nhập lậu; kịp thời phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép tôm hùm đất cho cơ quan chức năng, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến từng khu dân cư, nhất là các khu vực giáp biên về tác hại của loài vật này.
Cùng với đó, không chỉ ngành hải quan mà các ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương và mỗi người dân cần vào cuộc mạnh mẽ, chung tay ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tôm hùm đất.