Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay cơ quan chức năng ghi nhận hai loài tôm nguy hại tại nước ta gồm tôm càng đỏ Australia (tên khoa học Cherax quadricarinatus) và tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt (tên khoa học Procambarus clarkii). Theo đó, tại Thông tư số 35/2018 về danh mục loài ngoại lai xâm hại của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tôm càng đỏ là loài ngoại lai xâm hại, còn tôm hùm đất là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Tuy nhiên hiện nay, khá nhiều người tiêu dùng hoang mang và có sự nhầm lẫn giữa hai loài tôm trên với tôm hùm đỏ (tên khoa học là Panulirus longipes) bởi có sắc đỏ giống nhau.
Theo Wikipedia, tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt (tên tiếng Anh là crawfish) có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, sau đó chúng được đưa đến nhiều nơi ở châu Âu, châu Phi và châu Á (Trung Quốc). Tôm hùm nước ngọt có tám chân và hai càng lớn, đặc điểm hình dạng tương tự tôm càng đỏ. Tuy nhiên, khác với tôm càng đỏ mầu sắc toàn thân từ xanh sẫm đến xanh lam, tôm hùm nước ngọt toàn thân có mầu đỏ và đỏ sẫm. Về kích thước, tôm hùm đất (trưởng thành) chỉ dao động từ 30 - 50g, bé hơn rất nhiều so tôm càng đỏ (trưởng thành nặng trung bình từ 300 - 400g).
Tôm hùm đất từng được một số đơn vị và địa phương đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam (có kiểm soát) từ năm 2008, được một số nhà hàng chế biến thành món ăn với hương vị nước ngoài thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, xét thấy đây là loài xâm hại nguy hiểm, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo dừng nuôi thử nghiệm và cấm buôn bán tại nước ta. Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng, loài tôm này vừa phá hoại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật, kể cả người. Còn theo Vụ Bảo tồn & Phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), tôm hùm đất là loài thủy sinh sống dưới đáy, ăn tạp, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm này ăn cả động vật sống lẫn chết và thực vật. Việc cạnh tranh nguồn thức ăn trực tiếp với sinh vật bản địa như vậy có thể khiến những loài tôm, cá đặc trưng biến mất.
Trong khi đó, theo website vncreatures - chuyên trang tra cứu sinh vật rừng Việt Nam dẫn từ Sách đỏ Việt Nam, tôm hùm đỏ là loài tôm rồng chân dài thuộc danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đây là loài được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (1992-2000). Chúng thường sống quanh các đảo, trong rạn san hô và những vùng phụ cận có độ trong cao và nhiều sóng. Trong nước, loài tôm này phân bố từ tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Kích thước tôm hùm đỏ trưởng thành nặng từ 0,9 - 1 kg/con. Tôm hùm đỏ có vỏ láng, đỏ nâu hay đỏ tím và những chấm tròn nhỏ hoặc đốm mầu trắng hay đỏ cam... là một trong những loại hải sản nổi tiếng ở vùng biển Việt Nam. Theo đó, các nhà chức trách khuyến cáo cần giảm cường độ khai thác, chỉ khai khác vào mùa không sinh sản, nghiêm cấm đánh bắt bằng mìn và phá hủy các rạn san hô để tôm còn sinh trưởng và phát triển.