Đoàn công tác đi kiểm tra khu vực tràn Cư Dụ trên đường tỉnh 519B còn bị ngập nước, chia cắt các xã: Luận Thành, Luận Khê, Tân Thành của huyện Thường Xuân; Tuyến đường tuần tra biên giới, đoạn từ xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đến xã Yên Khương, huyện Lang Chánh bị sạt khoảng 20 nghìn m3 đất đá xuống đường tại 6 vị trí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, đơn vị liên quan trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lưu ý, các địa phương không được phép chủ quan lơ là, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trong mọi tình huống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể tình hình thiệt hại của các công trình giao thông, thống kê cụ thể khối lượng sạt lở để báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nắm bắt hiện trạng sạt lở taluy dương đường tuần tra biên giới. |
Các đơn vị phải khẩn trương giải tỏa ách tắc trên các tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường tuần tra biên giới, không để ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh khu vực biên giới.
Từ chiều 2/10, nước trong sông Nhơm lên nhanh đã làm ngập lụt hơn 90 hộ dân, các tuyến đường giao thông ở xã Tân Thọ, huyện Nông Cống bị ngập cục bộ. Tại huyện Như Thanh, mưa lũ khiến hơn 85 ha lúa, hoa màu bị ngập, một số cống, kênh mương bị hư hỏng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu dựng biển cảnh báo, rào chắn không cho người dân đi qua lại các tuyến đường bị nước lũ chia cắt; ứng trực các vị trí ngập sâu để hỗ trợ nhân dân; trực chốt, theo dõi các điểm xung yếu để phát hiện, xử lý kịp thời nếu có sự cố nảy sinh.
Tiếp tục rà soát, chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ở vùng trũng thấp, khu vực ngoại đê đến nơi an toàn; sẵn sàng tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở vùng bị ngập sâu, chia cắt giao thông; bảo đảm an toàn hệ thống điện, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi trọng điểm như hồ Yên Mỹ, hồ Sông Mực, có phương án xả lũ phù hợp với tình hình thời tiết.
Công ty TNHH MTV sông Chu vận hành trạm bơm Đồng Ngâu, bơm tiêu thoát nước bảo vệ cây trồng, khu dân cư. |
Đặc biệt, phải cắt cử lực lượng ngăn không cho người dân đánh bắt cá, vớt củi tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục các điểm đê, đường giao thông bị sạt lở.
Theo báo cáo chiều 3/10, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 58 hộ dân cư sinh sống tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Hiện Công ty TNHH MTV sông Chu đang vận hành 30 trạm bơm; Công ty TNHH MTV bắc sông Mã đang vận hành 21 trạm bơm; Công ty TNHH MTV nam sông Mã đang vận hành 5 trạm bơm tiêu thoát nước, bảo vệ cây trồng, các khu dân cư.