Trận lũ lịch sử quét qua xã Tà Cạ và một phần thị trấn Mường Xén, huyện miền núi rẻo cao 30a Kỳ Sơn đã nhấn chìm tất cả trong bùn đất. Nhiều tài sản quý giá từ ô-tô, xe máy, đồ đạc quý giá đến hàng hóa đều bị ngập sâu trong bùn đất hay bị lũ cuốn trôi xuống dòng sông Nậm Mộ...
Kinh hoàng, tan hoang là những từ ngữ để miêu tả cảm xúc của người dân nơi rốn lũ và cảnh tượng tại các địa bàn mà cơn lũ quét qua. Tuyến quốc lộ 7 đoạn qua Khối 1, thị trấn Mường Xén trở lên phía tây ngập hàng mét bùn đất. Những nhà dân, công sở dọc theo tuyến quốc lộ này cũng đều chìm trong bùn, đất đá... Tuyến đường từ tràn qua khe Huồi Giảng đến ngã ba thị trấn Mường Xén đã trở thành dòng sông bùn đất.
Con suối thơ mộng chảy từ các bản ở xã Tà Cạ qua trước cổng Trung tâm Chính trị huyện ra quốc lộ 7 xuống dòng Nậm Nơn hôm nào nay như con thuồng luồng hung dữ, gào thét, dâng cuồn cuộn. Dọc theo con suối, những hòn đá xanh lớn nằm ngổn ngang. Sân Trung tâm Chính trị huyện ngập bùn, những chiếc xe ô-tô nằm ở sâu trong ga-ra bị bùn đất chôn vùi; bàn ghế, tài liệu cũng ngập trong bùn. Những ngôi nhà sàn vững chãi ở ngã ba xiêu vẹo, bởi nhiều cột đã lửng lơ. Nhiều chiếc xe đạp được nhà tài trợ cho học sinh nghèo chưa kịp đưa đến tay các em đã bị lũ cuốn ra phía sau ngôi nhà sàn này.
Bà Lương Thị Hòa (68 tuổi) sinh ra lớn lên ở thị trấn Mường Xén cho biết, từ trước đến nay, thị trấn có ngập lụt do mưa lớn, nước sông dâng cao; còn lũ quét khủng khiếp như ngày 2/10 vừa qua thì chưa gặp bao giờ!
Ngay sau lũ, các lực lượng vũ trang Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an lên đến 500 người cùng các lực lượng tại chỗ đã vượt qua những cây cầu tạm bắc băng qua những đoạn nước chảy xiết đi vào các bản bị thiệt hại nặng tham gia cứu hộ, giúp đỡ người dân.
Có mặt chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn lũ tại hiện trường, Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Do hậu quả cơn lũ để lại nặng nề, khối lượng công việc khắc phục lớn, những ngày tới Bộ Tư lệnh Quân khu dự kiến tiếp tục điều động thêm lực lượng, phương tiện máy móc và hỗ trợ vật chất, lương thực giúp nhân dân khắc phục hậu quả, vượt qua hoạn nạn, sớm ổn định cuộc sống.
Dọc quốc lộ 7, đoạn từ Tòa án nhân dân huyện, ngược lên phía tây và đường vào tràn suối Huồi Giảng, hàng chục công nhân và máy xúc, ô-tô đang hối hả làm việc xuyên đêm để bốc hàng chục nghìn khối bùn cát nhằm sớm thông tuyến quốc lộ sang nước bạn Lào. Những dãy nhà hai bên tuyến đường cùng toàn bộ tài sản liên quan đều bị bùn cát phủ kín dày cả mét.
Anh Phạm Hiền Thế, chủ hiệu thuốc Vì Dân cho biết: Đúng đêm lũ quét về, anh phải chở vợ đi sinh, sáng hôm sau quay về thì toàn bộ tài sản, cùng các loại thuốc đều bị bùn lấp kín, tổn thất hàng trăm triệu đồng. “Hiện các cán bộ chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cùng người thân đang tập trung hất bùn đất ra ngoài và lần tìm tài sản còn sót lại. Nếu không có các anh bộ đội đến giúp, tôi không biết làm như thế nào với đống bùn đất này!”, anh Thế cho biết thêm.
Tuyến đường vào các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn... của xã Tà Cạ cũng nham nhở đá tảng bởi lũ và dòng suối Huồi Giảng hung dữ dâng cao chia cắt. Dọc hai bên bờ suối là cơ man đá với đá, khiến việc đi lại và tiếp tế gặp vô vàn khó khăn. Cảnh tưởng dọc hai bên suối tan hoang với những ngôi nhà bị sụp đổ, xiêu vẹo hay chỉ còn lại bộ khung với những gốc cây chơ chỏng...
Nhà bà Ngân Thị Tâm 71 tuổi ở bản Hòa Sơn, cùng hai nhà người thân nằm cạnh suối chỉ còn trơ lại bộ khung nhà... Bên cạnh những thùng mì tôm, nước uống mà đơn vị công an vừa trao, bà Tâm ngẩn ngơ nói, nếu không có Nhà nước và người dân giúp, trong những ngày tới mẹ con bà không biết sống bằng gì!
Ông Nai Văn Kỳ, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Sơn cho biết: Nước lũ đã rút, chúng tôi phân công lực lượng đến những nhà bị thiệt hại ít, giúp đỡ. Với những gia đình bị trôi mất nhà hay thiệt hại nặng thì chính quyền phối hợp các lực lượng bố trí nơi ở, góp gạo nấu ăn chung, tặng quần áo, đồ dùng sinh hoạt...
Sơn Hà là một trong những bản của xã Tà Cạ bị thiệt hại nặng nề do lũ. Từ chiều tối 3/10, Bộ đội Biên phòng tuyến Kỳ Sơn gồm 45 cán bộ, chiến sĩ ở các đồn Mỹ Lý, Keng Đu, Na Loi và Mường Ải đã hành quân bộ hàng chục ki-lô-mét đường rừng vào phối hợp lực lượng đoàn viên thanh niên tại chỗ giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Trước mắt, các lực lượng tập trung giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chỗ ở và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ.
Giữa bộn bề tổn thất do lũ gây ra, tổ công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tại bản Sơn Hà ưu tiên hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại nặng và vẫn đang nằm trong nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất đe dọa. Ngôi nhà của bà Y Dìa nằm chênh vênh bên vực sâu của suối Cốc và có thể đổ sập bất cứ lúc nào được ưu tiên triển khai. Dưới sự hợp sức của Bộ đội Biên phòng và người dân sau nhiều tiếng đồng hồ, ngôi nhà gỗ của bà Dìa đã được dịch chuyển về phía trước gần hai mét, tránh được nguy cơ đổ sập xuống dưới suối.
Tại bản Bình Sơn 1 (Tà Cạ), một trong các hộ gia đình bị thiệt hại nặng là gia đình chị La Thị Ượt. Ngôi nhà sàn năm gian cả đời dành dụm tích cóp của hai vợ chồng chỉ trong phút chốc đã thành đống đổ nát. Nhìn đống của bị tàn phá do mưa lũ, chị Ượt nghẹn ngào chia sẻ, đứng nhìn ngôi nhà bị sập mà chẳng biết làm gì, bây giờ có các anh bộ đội và mọi người đến giúp, gia đình chỉ biết cảm ơn...
Đứng cạnh chúng tôi, Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thông báo, ngoài tổ công tác tại bản Sơn Hà, để đáp ứng yêu cầu của chính quyền địa phương, đơn vị còn điều động 40 cán bộ, chiến sĩ hành quân xuyên đêm để tiếp cận được ba bản: Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 và bản Cánh (Tà Cạ)-bị thiệt hại nặng và đang bị cô lập. Sau nhiều giờ đi bộ vượt qua những đoạn sạt lở nguy hiểm, tổ công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tiếp cận địa bàn các bản nằm bên sông Nậm Mộ, động viên nhân dân và giúp đỡ họ khắc phục hậu quả thiên tai.
Việc thông quốc lộ 7 sớm nhất để sớm thông thương với nước bạn Lào được ngành giao thông đặt lên hàng đầu. Đơn vị quản lý đường bộ đã huy động hàng chục máy xúc, ô-tô cùng nhân lực làm xuyên đêm để tập trung giải phóng lớp bùn cát dày hàng mét, kéo dài nhiều cây số trên quốc lộ 7 nhằm thông xe trong thời gian sớm nhất. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, huyện đã liên lạc với huyện Noọng Hét (nước bạn Lào) hợp đồng máy thi công san gạt ở các điểm sạt lở từ xã Mận Cắn xuống, kết hợp với ngành giao thông làm từ hướng Mường Xén lên nhằm sớm thông quốc lộ 7.
Sau lũ, ngành điện Kỳ Sơn đã huy động mọi nguồn lực, nhất là trong những ngày qua đã dựng lại cột bị đổ gãy, đưa hoạt động trở lại 48/64 trạm biến áp trung hạ thế để cấp điện lại cho thị trấn Mường Xén và các vùng lân cận. Nhà máy nước đang tập trung thay thế những đoạn đường ống bị lũ cuốn trôi để sớm cấp nước lại cho thị trấn Mường Xén.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn Sầm Văn Hải cho biết: Ngoài bộ phận trực khám, chữa bệnh ở bệnh viện, Trung tâm đã cử 30 cán bộ, y, bác sĩ trẻ khỏe xuống các bản bị lũ để vừa giúp dân khắc phục thiệt hại vừa khám, chữa bệnh cho người ốm và chỉ đạo công tác xử lý môi trường, phòng dịch bệnh sau lũ…
Với tinh thần thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, ngay sau lũ vừa qua, những chuyến xe thiện nguyện chở đầy hàng hóa, nhu yếu phẩm vượt qua chặng đường sạt lở, ngập lụt trong màn mưa kịp thời cứu trợ người dân Kỳ Sơn. Nhiều đoàn công tác của các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Đô Lương, Yên Thành, thành phố Vinh... cùng gần 100 nhà hảo tâm đã lên với Kỳ Sơn, kịp thời động viện tặng quà cho người dân vùng lũ.
Nhận gói quà hỗ trợ từ tay Đại tá Dương Minh Hiền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Nghệ An trao, bà Và Y Tồng ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ xúc động: Nhà cửa, tài sản, lương thực, quần áo cả gia đình nước cuốn hết cả. Rất may, trước khi lũ đổ về, các chú bộ đội và dân quân kịp thời sơ tán chúng tôi đến nơi an toàn. Hai ngày qua, gia đình chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành cùng các chú bộ đội về cả vật chất, tinh thần và giúp gia đình khắc phục hậu quả.
Sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm đã góp phần làm vơi bớt khó khăn, mất mát của người dân trước thiên tai. Đây cũng là động lực to lớn tiếp sức cho nhân dân vùng lũ huyện vùng cao Kỳ Sơn vượt qua gian khó, sớm phục hồi cuộc sống sau lũ.
Tuy vậy, để giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống, huyện Kỳ Sơn đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cấp, ngành liên quan và các tổ chức hảo tâm kịp thời hỗ trợ, cung cấp hàng hóa, vật tư thiết yếu và các nhu yếu phẩm cần thiết khác giúp địa phương, người dân sớm vượt qua thiên tai. Về lâu dài, Chính phủ, tỉnh Nghệ An sớm hỗ trợ huyện 30a Kỳ Sơn quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu tái định cư phòng, chống thiên tai, nhanh chóng đưa người dân ở vùng có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... đến nơi an toàn.
Trận lũ quét kinh hoàng vừa qua đã làm một người chết; 55 ngôi nhà bị trôi, sập hoàn toàn, 141 nhà bị ngập, hư hỏng nặng; 36 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ lớn gây ngập lụt và hư hại nhiều cơ quan, công sở; ngập trôi 12 xe ô-tô; gần 100 xe máy bị vùi lấp hay cuốn trôi cùng nhiều tài sản và hàng hóa có giá trị bị hư hỏng. Mưa lũ làm ngập và sạt lở rất nghiêm trọng làm tê liệt tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 7 cùng nhiều tuyến đường Mường Xén đi Tây Sơn, Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền...