Kiểm soát tốt lạm phát bình quân

Báo cáo Chính phủ về giá cả thị trường tháng 6, Bộ Tài chính cho biết, so với tháng 5, nhìn chung giá các mặt hàng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Giá một số mặt hàng có biến động nhẹ bao gồm: Thóc gạo và nhóm nhiên liệu có gas LPG, góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
0:00 / 0:00
0:00
Giá cả hàng hóa sáu tháng đầu năm cơ bản ổn định. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: TUỆ NGHI)
Giá cả hàng hóa sáu tháng đầu năm cơ bản ổn định. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: TUỆ NGHI)

Nhìn lại sáu tháng đầu năm, có thể thấy mặt bằng giá hàng hóa tăng theo quy luật vào dịp lễ, Tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo.

Về công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, Ban chỉ đạo chú trọng quan tâm tới việc bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả được tiếp tục thực hiện song song với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Đối với một số mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 6 giảm so với tháng 5. Tính đến ngày 20/6, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 25 kỳ điều hành giá, cho đến nay giá đã về mức giá gần đầu năm. Giá bán gas LPG tương tự có ba tháng tăng, ba tháng giảm, hiện đã giảm từ 3.000-5.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5. Đối với giá phôi thép, tuy đã tăng nhẹ so với tháng 5 trên thị trường Đông Nam Á, nhưng theo báo cáo của doanh nghiệp kê khai, giá thép xây dựng và xi-măng trong nước tháng 6 và sáu tháng đầu năm cơ bản ổn định, không có biến động bất thường.

Trên thị trường vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam sáu tháng đầu năm tăng so cùng kỳ năm 2023 từ 74 đến 165 USD/tấn. Trong nước, giá mặt hàng này tương đối ổn định, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu. Giá các mặt hàng phân bón, dịch vụ khám, chữa bệnh, giáo dục đào tạo cũng theo chiều hướng giảm nhẹ, và giữ ổn định, riêng mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%. Tuy nhiên, mức học phí cụ thể vẫn trong phạm vi giá do Chính phủ quy định.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá sáu tháng cuối năm, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp trong công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá bảo đảm kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Tài chính-Công thương tiếp tục điều hành giá cả thị trường trong nước, đồng thời bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu. Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả trung thực sẽ bảo đảm kịp thời, khách quan, minh bạch trong việc công khai thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân. Chính biện pháp này góp phần quan trọng trong việc hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý, có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là vào những thời điểm trùng với các kỳ nghỉ lễ trong năm.