Kết quả thực hiện kiểm kê rừng hiện nay ở Tây Nguyên nhằm làm cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và để triển khai nội dung các quy hoạch, như: Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời làm cơ sở tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông-lâm nghiệp và định khung giá rừng theo hiện trạng thực tế.
Ngoài ra, kiểm kê rừng lần này cũng để đánh giá, phục vụ tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tín chỉ các-bon, đang là xu thế chung của toàn thế giới với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và bảo đảm sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp...
Dự kiến công tác điều tra, kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Gia Lai tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành công văn về chấn chỉnh hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; trong đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo định kỳ hằng năm về công tác quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các khó khăn vướng mắc để bảo đảm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản hiệu quả.
Các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật về khoáng sản; nâng cao trách nhiệm của ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài.
Nâng cao giáo dục pháp luật trong nhà trường tại Kon Tum
Nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường tại Kon Tum, đồng thời thảo luận các khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Trao đổi về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường".
Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật để phù hợp với tâm lý lứa tuổi và tăng cường sự hấp dẫn trong học tập như: làm các tiểu phẩm, video clip minh họa, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức pháp luật thông qua hình thức trực quan, sinh động; phát triển giáo trình và tài liệu giảng dạy có hình ảnh minh họa cụ thể, hỗ trợ giáo viên trong việc truyền đạt nội dung một cách hiệu quả hơn đến các em học sinh.
Năm học 2025-2026 có 11 trường ở Đắk Nông thi tuyển vào lớp 10
Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông vừa ban hành Thông báo số 2755 về việc thống nhất chủ trương tổ chức thí điểm thi vào lớp 10 tại một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2025-2026.
Theo đó, giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai bảo đảm đúng quy định; đồng thời nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu tiên phù hợp cho học sinh là người dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi và công bằng trong quá trình thi tuyển. Các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả và công bằng trong kỳ thi thí điểm này.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có báo cáo xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 từ năm học 2025-2026 do những hạn chế của phương thức xét tuyển hiện tại.
Chủ trương này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường Trung học phổ thông, đồng thời tạo thêm động lực học tập cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở.
Lâm Đồng có hơn 1.708 ha đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua bốn năm triển khai thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.708 ha đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ, đạt hơn 106,7% mục tiêu đề án.
Trong đó, rau hơn 94,9 ha, cây ăn quả 34 ha lúa 34 ha, chè 37 ha, cà phê hơn 216 ha, macca 33 ha… Về chăn nuôi, hiện có 140 ha đồng cỏ, 1.005 còn bò sữa, gà đẻ trứng 15 nghìn con.
Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích canh tác hữu cơ đạt 1.600 ha, sản lượng 11.500 tấn; chăn nuôi bò sữa đạt 2.000 con, sản lượng sữa hữu cơ đạt khoảng 5.800 tấn; đàn bò thịt đạt 400 con, sản lượng thịt hữu cơ đạt 50 tấn, gà đẻ trứng hữu cơ đạt 20 nghìn con, sản lượng trứng hữu cơ đạt 3,2 triệu quả và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Trang trại chăn nuôi bò sữa organic tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. |