Không phải các cuộc kiểm tra kinh tế vừa qua ở các cơ sở đều không đem lại hiệu quả thiết thực. Đã có nhiều trường hợp nhờ kiểm tra của các cơ quan chức năng mà đơn vị bị kiểm tra kịp thời ngăn chặn được những lệch lạc, tiêu cực trong quản lý và sử dụng tiền, hàng, thấy rõ thêm những khả năng có thể khai thác được để tăng thêm nguồn vốn, vật tư.
Cũng có trường hợp nhờ kiểm tra mà nâng cao hiểu biết về thể chế, kỷ cương luật pháp quản lý kinh tế-xã hội, và qua đó đề nghị bổ sung, sửa đổi về cơ chế, chính sách quản lý cho sát với thực tế.
Nhưng số trường hợp này chưa chiếm phần lớn trong toàn bộ số vụ, việc đã kiểm tra. Khá phổ biến là những đơn vị làm ăn khấm khá lại trở thành đối tượng kiểm tra. Người ta đặt ra lắm thứ câu hỏi và nhiều vấn đề mà thật ra, với cơ chế tự chủ sản xuất kinh doanh, người giám đốc có quyền quyết định, theo pháp luật hiện hành hoặc theo đúng tinh thần cơ chế mới, nhưng một số quy định cũ đã không kịp sửa đổi cho phù hợp.
Do đó, nhiều nơi cho rằng vì kiểm tra mà hạn chế tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở, làm thui chột mất những nhân tố mới hé ra, hãm đà đi lên của đơn vị. Nó còn gây tâm lý thấp thỏm, lo lắng “chờ xem đã” trong cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, ảnh hưởng đến nhịp độ sản xuất, kinh doanh.
Tình hình đó cho thấy tính thống nhất giữa năng động sáng tạo và bảo đảm kỷ cương luật pháp quản lý kinh tế chưa được khẳng định. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là các thể chế luật pháp về quản lý kinh tế chưa chuyển đổi kịp với thực tế sản xuất, kinh doanh đang hằng ngày, hằng giờ vận động theo quy luật khách quan, phù hợp với tinh thần các nghị quyết từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Mặt khác, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, thể chế quản lý kinh tế có nhiều trường hợp không nhất quán, không cụ thể, không dứt khoát, cái trước “đá” cái sau, ngành này “bao” nhiệm vụ ngành khác. Do đó, cùng một vấn đề, cơ sở này vận dụng văn bản này, cơ sở kia vận dụng văn bản kia, ai cũng cho mình là có lý. Và trong quá trình tổ chức kiểm tra, có không ít trường hợp làm chưa thật khẩn trương, khách quan, thiếu động cơ trong sáng, mà còn biểu hiện rề rà, lợi dụng, đối phó “nhìn mặt, đặt tên”.
Có xí nghiệp làm mất mát, tham ô hàng hóa trị giá 1,7 triệu đồng, nhưng các khoản chi phí cho cuộc kiểm tra kết thúc cộng lại lên tới 1,6 triệu đồng. Có công ty, thời gian kiểm tra một số vụ buôn bán trái phép lai rai gần ba tháng, giám đốc, kế toán trưởng và một số cán bộ nghiệp vụ tốn biết bao công sức soát tìm chứng từ, hồ sơ. Rốt cuộc, sau khi đoàn kiểm tra lui quân, gần một năm sau vẫn chưa có quyết định của cấp trên chủ quản xác nhận sự kiểm tra đó sai, đúng đến đâu. Với những trường hợp như vậy, người ta thấy “kiểm” ít, “tra” nhiều.
Để bảo đảm tính thống nhất giữa năng động, sáng tạo và giữ vững kỷ cương luật pháp quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, thiết nghĩ cần coi trọng cả ba:
Một là, về quản lý nhà nước về kinh tế, có nghĩa là về cơ chế quản lý vĩ mô: Mỗi khi có chủ trương, chính sách mới, cùng với việc ra các văn bản hướng dẫn cơ sở thi hành, cần thể chế hóa bằng luật pháp rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, không nên kéo dài tình trạng cùng một sự việc bên các ngành kinh tế thì cho rằng có thể thưởng huân chương, bên các cơ quan kiểm tra nội chính lại cho là có thể bỏ tù. Đứng trước sự không thống nhất đó làm sao cơ sở mạnh dạn phát huy tính năng động, sáng tạo?
Hai là, về các cơ quan được quyền kiểm tra, nên bám sát thực tế cuộc sống. Trên cơ sở đó mà thực hiện chế độ kiểm kê, kiểm soát của Nhà nước với mục đích chính là bảo đảm mọi hoạt động kinh tế lành mạnh, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển chứ không làm chùn đi những khả năng sáng tạo, năng động của cơ sở. Kiểm tra phải có thái độ nghiêm túc, không hạch sách, nhũng nhiễu, không đối phó, tạo điều kiện cho cơ sở khắc phục các hiện tượng tiêu cực, nhân lên mọi hoạt động sáng tạo, đúng hướng. Không nên kiểm tra có tính ngẫu nhiên, tùy hứng, khi thì bẵng đi hàng năm, để sai sót kéo dài không xử lý, khi thì làm dồn dập gây trở ngại đến sản xuất, kinh doanh và tạo ra tâm lý bực dọc cho các đơn vị phải kiểm tra.
Ba là, đối với cơ sở - những người phải kiểm tra - cần thấy rằng kiểm tra là một biện pháp không thể thiếu được của quản lý. Trong dân gian có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu cơ sở nào cũng làm đầy đủ, trung thực việc ghi chép sổ sách, chứng từ, thường xuyên củng cố, nâng cao trình độ nghiệp vụ, phẩm chất, trách nhiệm cho các bộ phận thống kê, kế toán, tài vụ và giám đốc, cấp ủy làm việc thật sự vô tư, công tâm vì lợi ích của đơn vị và của nền kinh tế chung thì sợ gì ai kiểm tra. Một số nơi vừa qua tìm cách gây “nhiễu” thêm cho việc kiểm tra, như tẩy xóa, làm mất chứng từ sổ sách... cũng chính là vì “có tật giật mình”, không xây dựng được nền nếp quản lý từ đầu, từ gốc.
HỒNG NAM
---------
Báo Nhân Dân, số 12614, ngày 25/1/1988.