Cùng suy ngẫm

Khuyến khích, tôn vinh văn hóa đọc

Năm nay là năm thứ hai chúng ta triển khai Quyết định 1862/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 4/11/2021 lấy ngày 21/4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2022) là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ tìm mua sách tại một ngày hội sách. (Ảnh: DUY LINH)
Các bạn trẻ tìm mua sách tại một ngày hội sách. (Ảnh: DUY LINH)

Trước đó, vào ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Như vậy, sau 8 năm thực hiện, việc Ngày Sách Việt Nam được đổi tên thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vừa mang tính kế thừa, lại vừa mang những nội hàm mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc bên cạnh khuyến khích, tôn vinh việc đọc sách.

Tại điểm 1, Điều 2 trong Quyết định 1862/QĐ-TTg năm 2021 đã khẳng định vị trí, vai trò của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, bổ sung nội dung mới so với Quyết định 284 là: “tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập”.

Có thể thấy, nội dung mới này thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc ý kiến của công chúng từ các lần tổ chức Ngày Sách Việt Nam những năm trước. Chẳng hạn, đọc sách bên cạnh nhu cầu còn là một thói quen tốt, và để hình thành thói quen ấy cần phải gây dựng từ lúc người đọc còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, bắt đầu từ gia đình, trường học, rồi đến cơ quan, tổ chức... Sách và việc đọc sách là “góp phần xây dựng xã hội học tập”, là đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Tại điểm 2, Điều 2 Quyết định 1862 đã đưa nội dung “Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc” lên phần mở đầu, thay thế nội dung “Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội” ở Quyết định 284. Như vậy, trong quyết định mới đã chỉ ra những đối tượng cụ thể cần được cổ vũ, tôn vinh, đồng thời bổ sung ngành thư viện và “các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 đang được tổ chức sôi nổi trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của nhiều địa phương, tỉnh, thành phố, ngành. Thông điệp do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là: “Sách: Nhận thức-Đổi mới-Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn” đã được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động phong phú:Tọa đàm, giao lưu tác giả-tác phẩm tiêu biểu có chiều sâu về tư tưởng và giá trị nghệ thuật; triển lãm “Khát vọng vươn tới những tầm cao” với các nội dung quan trọng: Đề cương về văn hóa Việt Nam, các chặng đường văn hóa Việt Nam, Giải thưởng sách quốc gia, Giải thưởng sách 5 châu lục của Cộng đồng Pháp ngữ…

Với độc giả trẻ, có các hoạt động mang tính thu hút và hấp dẫn như:

Thi vẽ tranh, kể chuyện; trò chơi trí tuệ “mảnh ghép tri thức”; thi xếp mô hình sách nghệ thuật… Việc xây dựng các tủ sách gia đình, dòng họ, cơ quan, trường học, cộng đồng được khuyến khích để cụ thể hóa chủ trương tạo dựng môi trường đọc sách trong nhân dân, xã hội hóa các loại sách và tận dụng được những nguồn sách đa dạng, phong phú từ cộng đồng.

Có thể thấy Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng trong đời sống xã hội. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn đã dành không gian tổ chức ở trung tâm cho hoạt động đường sách; nhiều công ty truyền thông, nhà xuất bản xây dựng các không gian văn hóa đọc, tổ chức giới thiệu, ra mắt sách rất chuyên nghiệp; các thư viện cải tiến cách phục vụ, trở thành điểm đến quan trọng với người đọc.

Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Tác giả trẻ ngày càng có chất lượng chuyên môn cao; mỗi năm hàng trăm nghìn cuốn sách được trao tặng cho trẻ em và người đọc ở vùng sâu vùng xa… Như vậy, đọc sách và tôn vinh văn hóa đọc không chỉ diễn ra trong mấy ngày tháng tư hằng năm mà đã có những chuyển biến sâu rộng, trở thành hoạt động thường xuyên vào tất cả các ngày trong năm.

Sự quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân đối với văn hóa đọc sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy xây dựng con người văn hóa và một xã hội tôn trọng tri thức, nhân văn và văn minh.