Thủ tướng vui mừng được gặp Đại sứ nhân dịp Thủ tướng chuẩn bị thăm một số nước châu Âu và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU - dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối thoại ASEAN-EU.
Thủ tướng và Đại sứ vui mừng nhận thấy quan hệ song phương Việt Nam-EU với lịch sử 32 năm phát triển sâu rộng và thực chất, đã chuyển sang một tầm cao mới với việc hai bên trở thành đối tác bình đẳng của nhau trên cơ sở hợp tác cùng có lợi trong tất cả các trụ cột hợp tác, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố; hai bên đã thiết lập 8 cơ chế hợp tác; tuy chịu tác động của Covid-19, hai bên vẫn duy trì tiếp xúc cấp cao trong hai năm gần đây.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn Ủy ban châu Âu (EC), Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã hỗ trợ Việt Nam gần 30 triệu liều vaccine cũng như các trang thiết bị y tế trị giá gần 40 tỷ đồng và Chương trình “Hồi sinh nhịp thở” để giúp Việt Nam phòng chống đại dịch Covid-19 thành công.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và các nước thành viên; đồng thời, Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và các nước thành viên; đồng thời, Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đánh giá cao vai trò của Đại sứ và Phái đoàn EU tại Hà Nội trong thúc đẩy quan hệ hai bên, Thủ tướng đề nghị Đại sứ, Phái đoàn EU tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao để tăng cường hiểu biết chính trị, định hướng hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác/đối thoại trong khuôn khổ Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-EU để rà soát, đề xuất các biện pháp hợp tác mới, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực môi trường, chống biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo…
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thực thi hiệu quả EVFTA và tích cực thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); đẩy mạnh hợp tác thương mại-đầu tư bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng thắng; tiếp tục các chương trình, dự án hợp tác phát triển cho Việt Nam; mong muốn EU khuyến khích các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục quan tâm thúc đẩy các dự án đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm, đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp để thực hiện nghiêm, thực chất các quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), trong đó có kế hoạch hành động 180 ngày nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển.
Thủ tướng đề nghị thúc đẩy EC đưa ra quyết định cân bằng trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống IUU, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá và sinh kế của ngư dân.
Thủ tướng nêu rõ thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi năng lượng quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, phải có cách tiếp cận toàn dân vì người dân luôn là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực, động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Trong quá trình này, cần bảo đảm công bằng, công lý trong tổng thể chung và đối với từng quốc gia.
Thời gian qua, Việt Nam và Anh, EU, đại diện cho một số nước G7 đã nỗ lực đàm phán xây dựng nội dung dự thảo Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), Thủ tướng đề nghị các bên tiếp tục thúc đẩy vấn đề này và EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy các đối tác phát triển sớm có cam kết cụ thể hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Đại sứ Giorgio Aliberti đánh giá cao những thành tựu lịch sử của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới, cũng như quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong nhiều vấn đề như tháo gỡ thẻ vàng IUU, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là Thủ tướng tham dự và có thông điệp quan trọng tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 do Eurocham tổ chức cuối tháng 11 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông khẳng định Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là trong chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo…; đề cập một số nội dung liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh liên quan thực thi EVFTA…
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.