Khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu làm gia tăng tình trạng nghèo khó

NDO -

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đang trên đà đẩy thêm 71 triệu người ở những quốc gia nghèo khó nhất vào tình trạng nghèo cùng cực.

0:00 / 0:00
0:00
Trao thực phẩm hỗ trợ người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: REUTERS)
Trao thực phẩm hỗ trợ người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: REUTERS)

Dẫn số liệu phân tích thực trạng tại 159 quốc gia đang phát triển, Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner cho biết, giá hàng hóa thiết yếu tăng vọt trong năm nay đã ảnh hưởng đến các khu vực của châu Phi cận Sahara, vùng Balkan, châu Á và nhiều nơi khác.

UNDP kêu gọi những hành động phù hợp hơn để giải quyết tình trạng trên. Tổ chức này đang tìm kiếm các khoản hỗ trợ tài chính cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời mong muốn các quốc gia phát triển hơn mở rộng Sáng kiến đình chỉ nợ (DSSI), vốn được thiết lập từ trước để giúp các nước nghèo trong đại dịch Covid-19.

Theo ông Steiner, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói và thậm chí gia tăng tình trạng thiếu đói với tốc độ chóng mặt. Cùng với đó, nguy cơ bất ổn xã hội đang ngày một gia tăng.

Các tổ chức như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều có những “chuẩn nghèo” riêng - trong đó nhóm thấp nhất là các nước nghèo với thu nhập trung bình 1,90 USD/ngày, 3,20 USD/ngày đối với các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, và 5,50 USD/ngày ở những nước có mức thu nhập trung bình cao.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện tại có thể đưa hơn 51 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực với mức thu nhập 1,90 USD/ngày, cùng khoảng 20 triệu người khác cũng rơi vào cảnh tương tự với mức thu nhập 3,20 USD/ngày. Qua đó, tổng số người nghèo cùng cực trên toàn cầu ước tính có thể lên tới trên 1,7 tỷ người.

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng, sẽ “công bằng và hiệu quả hơn về chi phí” khi các chính phủ hỗ trợ tài chính cho các đối tượng mục tiêu, so với việc cung cấp các khoản trợ cấp chung về giá năng lượng và thực phẩm, vốn thường có xu hướng đem lại lợi ích nhiều hơn cho các nhóm đối tượng có thu nhập cao hơn trong xã hội.

Ông George Gray Molina, Trưởng Ban phát triển chính sách chiến lược của UNDP cảnh báo rằng, việc áp dụng những khoản trợ giá như trên về lâu dài sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và không thể làm dịu những hậu quả trước mắt.

Thực tế qua 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua cũng cho thấy rằng, những quốc gia kém phát triển sẽ cần hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, nhằm có thêm nguồn vốn cho các chương trình trợ cấp mục tiêu.

Để thực hiện được điều đó, ông Molina đề xuất gia hạn Sáng kiến DSSI thêm 2 năm, đồng thời mở rộng sáng kiến này tới ít nhất 85 quốc gia, so với chỉ 73 quốc gia đủ điều kiện như hiện tại.