Khung chính sách thử nghiệm cho kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn có thể đem lại nhiều cơ hội theo đuổi đa dạng hóa kinh tế và tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn. Khi có cơ chế thử nghiệm, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ yên tâm triển khai các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Sự thay đổi sâu sắc của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các quốc gia nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng.

Đề xuất bốn lĩnh vực ưu tiên

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, cần có cơ chế thử nghiệm (sandbox) thay vì chỉ áp dụng theo cách tiếp cận truyền thống. Mục tiêu của chính sách thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra sự an tâm cho nhà đầu tư và doanh nghiệp để thử nghiệm những ý tưởng, sáng kiến về kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đề cập đến các bài học từ kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, quyết tâm và tư duy mở hướng mạnh mẽ tới khía cạnh kinh tế trong kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa quan trọng, để từ đó có cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn một cách tổng thể nhất trên bình diện quốc gia với một hệ thống khung khổ pháp lý hoàn chỉnh.

Đối với các nền kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể đem lại nhiều cơ hội theo đuổi đa dạng hóa kinh tế và tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, trong quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng nhằm tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Quá trình này cũng không thể thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đáng lưu ý, phát triển kinh tế tuần hoàn không thực hiện đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà cần có những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, CIEM đề xuất lựa chọn áp dụng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn cho bốn lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. Các nội dung cụ thể của chính sách thử nghiệm gồm chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đào tạo lao động và chính sách đất đai...

Phương thức cấp vốn xanh

Là ngành tiếp cận rất sớm với mô hình kinh tế tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn để phù hợp xu hướng phát triển mới.

Một trong những khó khăn của định hướng phát triển này là khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nay, ngành xuất khẩu chủ lực này có nhu cầu vốn rất lớn để chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu EU, Mỹ,…

Ngành dệt may chiếm tỷ trọng 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước và lực lượng lao động chiếm 25% toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng dư nợ tín dụng chỉ chiếm 1,5%, tương đương khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư lớn cho chương trình xanh hóa, năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, phát triển nguồn nguyên phụ liệu…

Ông Trương Văn Cẩm

Nhấn mạnh yêu cầu sớm có cơ chế thử nghiệm cho việc huy động vốn trong kinh tế tuần hoàn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, đây là kinh nghiệm từ thực tiễn của các nước trên thế giới đã đi trước về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Vì thực tế, các phương thức cấp vốn truyền thống sẽ không còn nhiều phù hợp trong bối cảnh mới.

Vị chuyên gia dẫn số liệu: Chuyển động tài chính xanh của Việt Nam thời gian qua đã có một số tín hiệu tích cực. Tín dụng xanh từ năm 2017 đến 2022 tăng bình quân 22%/năm, các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như Vingroup, BIM Land, EVNFinance bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những con số nêu trên vẫn ở mức sơ khai, cho thấy nhìn nhận về tài chính xanh còn mờ nhạt trong khi đây là yếu tố quan trọng, cần có cơ chế rõ ràng hơn và an toàn trong hệ thống pháp luật và chính sách.

Thực tế này cho thấy Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh; đồng thời phát triển, hoàn thiện sàn giao dịch tín chỉ các-bon, các sản phẩm giao dịch, thành viên thị trường và môi giới giao dịch, đối tượng giao dịch; đặc biệt, cần xem xét thành lập ngân hàng đầu tư xanh như ở một số quốc gia hoặc hình thành quỹ tài chính-tín dụng xanh để cấp vốn xanh cho dự án quan trọng.

Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính xanh, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các cơ chế thử nghiệm cần tập trung vào ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư các dự án kinh tế tuần hoàn, dự án xanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực để thuê, mua các giải pháp công nghệ mới.