Không khí làm việc, tham gia thi đua lao động sản xuất đầu xuân tại nhiều đơn vị

Ngày 15/2, tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), Công ty Than Thống Nhất (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam-TKV) đồng loạt ra quân sản xuất đầu Xuân, phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất 2 triệu tấn than nguyên khai trong năm 2024 theo đúng kế hoạch TKV đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Gần 3.200 công nhân Công ty Than Thống Nhất (TKV) ra quân, phấn đấu sản xuất 2 triệu tấn than nguyên khai trong năm 2024 theo kế hoạch được giao.
Gần 3.200 công nhân Công ty Than Thống Nhất (TKV) ra quân, phấn đấu sản xuất 2 triệu tấn than nguyên khai trong năm 2024 theo kế hoạch được giao.

Ngay trong ngày ra quân đầu Xuân, đã có gần 3.200 cán bộ, công nhân làm việc (chiếm 92% tổng số cán bộ, công nhân của công ty), sản lượng khai thác trong ngày ước đạt khoảng 7.100 tấn than nguyên khai.

Năm 2024 được nhận định là năm có nhiều biến động do xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng, thị trường tài chính diễn biến phức tạp, giá cả vật tư tăng cao. Công ty được TKV giao sản xuất và tiêu thụ 2 triệu tấn than nguyên khai, đào gần 10.500m lò, phấn đấu thu nhập bình quân người lao động gần 19 triệu đồng/tháng.

Với mục tiêu “An toàn-Đoàn kết-Phát triển-Hiệu quả”, phát huy truyền thống “Kỷ luật-Đồng tâm” của thợ mỏ, ban lãnh đạo công ty quyết tâm vượt khó, thích ứng linh hoạt trong điều hành; phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Công ty tiếp tục đổi mới và tăng cường quản lý, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, từng bước đưa cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và các ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào sản xuất nhằm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản lý, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được TKV giao.

* Ngày 15/2, toàn bộ kỹ sư, người lao động trực thuộc hệ thống của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quay trở lại làm việc sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Năm 2024, PVN phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí toàn Tập đoàn đạt 12 triệu-18 triệu tấn quy dầu; khai thác dầu đạt 8,2 triệu-8,98 triệu tấn; khai thác khí đạt 5,1 tỷ-7,5 tỷ mét khối; tổng doanh thu đạt 734,2 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 94 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 22 nghìn tỷ đồng,...

Năm 2023, PVN và các đơn vị thành viên đã triển khai hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, duy trì ổn định hoạt động các lô, mỏ; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 13 triệu tấn; sản lượng khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn; sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ mét khối,...

* Gần 62 nghìn lao động Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã quay trở lại làm việc, tham gia thi đua lao động sản xuất đầu Xuân ngày 15/2.

Năm qua, tuy ngành dệt may Việt Nam trải qua khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nhưng với sự nỗ lực của tập thể người lao động, toàn hệ thống đã đạt doanh thu hợp nhất 17.225 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 377 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng.

Dự báo, năm 2024, ngành dệt may tiếp tục đối diện khó khăn khi các yếu tố bất lợi tác động tiêu cực tới xuất khẩu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2023, các doanh nghiệp trong hệ thống đã phát huy sáng tạo, bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường.

* Ngày 15/2, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy ra quân đầu Xuân, triển khai lao lắp dầm nhịp thứ ba của cầu Kênh Ngang Huệ Đức, thuộc ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành (An Giang). Cầu Kênh Ngang Huệ Đức là hạng mục của gói thầu 44, thuộc dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1), được gác dầm đầu tiên trên toàn tuyến vào giữa tháng 1/2024. Dự án có tổng chiều dài hơn 188km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, dự kiến hoàn thành toàn tuyến và đưa vào khai thác năm 2027; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng quy mô 6 làn xe.

Gói thầu thi công đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang do Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy phụ trách. Gói thầu có chiều dài 12,5km, trong đó gồm chín cây cầu và ba cống hộp. Đến nay, nhà thầu tổ chức cho công nhân thi công gác dầm được hai cây cầu là Kênh Ngang Huệ Đức và Kênh Đông 2. Sự nỗ lực của nhà thầu thi công đang giúp gói thầu số 44 đạt tiến độ 17,5%, vượt gần 6% so với yêu cầu do chủ đầu tư đề ra.

* Cảng Quốc tế Long An chính thức khai Xuân ngày 15/2, phát lệnh làm hàng xuất khẩu, xếp dỡ 15 nghìn tấn hạt nhựa lên tàu đi châu Âu. Cảng Quốc tế Long An có quy mô diện tích 147 ha, gồm 7 cầu cảng hiện hữu với chiều dài liên tục cầu cảng 1.670m và 1 triệu mét vuông kho bãi lưu trữ hàng hóa đưa vào hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100 nghìn DWT, công suất khai thác quy mô 3 triệu TEU và 10 triệu tấn hàng tổng hợp.

Với hạ tầng hiện đại, Cảng Quốc tế Long An có khả năng cung cấp đầy đủ các dịch vụ: Khai thác hàng tổng hợp, Container; Dịch vụ lưu kho-bãi; Giao nhận hàng hóa quốc tế,... Có vị trí chiến lược và thuận lợi nằm tại cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cảng Quốc tế Long An đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và các hãng tàu lớn trên thế giới; góp phần kết nối, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, phát triển giao thương trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.