Không để thiếu nước sản xuất vụ xuân

Sau đợt xả nước của các hồ chứa thủy điện, hơn 80% tổng diện tích gieo cấy khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nước. Tuy nhiên, riêng thành phố Hà Nội, diện tích gieo cấy vụ xuân có nước mới đạt hơn 60%. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực cung cấp đủ nước tưới phục vụ nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Mỹ Đức xuống đồng làm đất gieo cấy lúa.
Người dân huyện Mỹ Đức xuống đồng làm đất gieo cấy lúa.

Tranh thủ đủ nước, ngay trong những ngày sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nông dân các địa phương đã khẩn trương xuống đồng làm đất, chuẩn bị gieo cấy. Bà Nguyễn Thị Diên ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì cho biết, nhờ hệ thống kênh, mương thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa kịp thời cho nên việc đưa nước vào ruộng rất nhanh chóng, thuận lợi. Ngay khi ruộng đủ nước, gia đình bà đã thuê máy làm đất kỹ lưỡng để gieo cấy lúa. Nước đủ là yếu tố rất quan trọng để có vụ xuân thắng lợi, mở đầu cho một năm sản xuất thuận lợi.

Không chỉ tại huyện Ba Vì, sau đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện, nhiều diện tích gieo cấy tại các huyện Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức... đã có nước đổ ải. Nông dân xuống đồng làm đất, gieo cấy. Tuy nhiên, diện tích gieo cấy lúa có nước trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thấp, chỉ đạt hơn 60%. Nguyên nhân là do một số địa phương có tập quán lấy nước muộn, hoặc phải cấp nước bằng các trạm bơm dã chiến, cho nên cần thời gian lấy nước dài hơn. Bên cạnh đó, một số công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp như cống Cẩm Đình, Liên Mạc không đủ điều kiện vận hành lấy nước...

Sau khi các hồ thủy điện ngừng điều tiết nước, mực nước sông Hồng xuống thấp khiến nhiều trạm bơm không đủ điều kiện vận hành. Để bảo đảm tiến độ cấp nước phục vụ làm đất, gieo cấy, các đơn vị thủy lợi đã vận hành trạm bơm dã chiến. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích cho biết, để chủ động bơm nước phục vụ vụ xuân, đơn vị đã lắp đặt trạm bơm dã chiến Phù Sa và Trung Hà, kịp thời đưa vào sử dụng ngay trong đợt điều tiết nước hồ thủy điện đầu tiên. Nhờ đó, nhiều diện tích gieo cấy của huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây... có nước. Cùng với việc đưa nước vào đồng ruộng, đơn vị đưa nước vào tích trữ tại hệ thống kênh, mương, ao, hồ, đầm, vùng trũng, sẵn sàng đưa nước lên ruộng khi nông dân có nhu cầu. Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cũng vận hành Trạm bơm dã chiến Bá Giang và nhiều công trình lấy nước khác.

Đại diện Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã vận hành liên tục các trạm bơm dã chiến để đưa nước lên đồng ruộng. Các trạm bơm dã chiến có khả năng vận hành cả khi mực nước sông xuống thấp, ít phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện cho nên việc cấp nước cho đồng ruộng vẫn được thực hiện liên tục. Cùng với đó, từ 0 giờ ngày 18 đến 24 giờ ngày 21/2, các nhà máy thủy điện sẽ xả nước đợt hai, phát điện để bổ sung nguồn nước cho sông Hồng, sông Đà, sông Đuống. Trong thời gian này, dự kiến dòng chảy sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây sẽ được duy trì trung bình ở mức 1,8 đến 2m, bảo đảm cho các trạm bơm vận hành thuận lợi.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân có nước đến đâu thì làm đất, giữ nước đến đó, tránh lãng phí nguồn nước và gieo cấy lúa đúng kế hoạch trong khung thời vụ tốt nhất... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố bố trí đầy đủ lực lượng, theo dõi chặt chẽ nguồn nước, vận hành tối đa công suất các trạm bơm khi mực nước sông đạt cao trình cho phép. Vận hành các trạm bơm dã chiến. Thường xuyên kiểm tra bờ vùng, bờ thửa, không để rò rỉ, thất thoát nước. Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường vận động, đôn đốc nông dân khẩn trương thu hoạch rau màu, đưa nước lên ruộng, kịp thời làm đất, gieo cấy lúa. Những khu vực thường xuyên thiếu nước, các địa phương cần bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển đổi sang cây trồng cạn ■