Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, 8 năm qua, địa phương đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư cho 136 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Trong đó, hai năm 2018 và 2019, đột biến với 77 dự án; trong khi ba năm trở lại đây chỉ có 5 dự án.
Nhìn chung, việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản đều tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chính sách pháp luật qua từng thời kỳ có nhiều thay đổi, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất còn chậm, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn tới việc thực hiện các dự án bất động sản kéo dài, nhiều dự án phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời cũng là một phần nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Đối với nhà ở xã hội, từ năm 2015-2020, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3.498 căn. Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn năm 2021-2025 xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội. Hiện nay, quỹ đất nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị hơn 1.000ha đất.
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, tỉnh đang quyết liệt thực hiện các dự án nhà ở xã hội. |
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 22/8/2022 về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. 2 năm qua, kể từ khi có nghị quyết trên đã tạo sự chuyển biến rất lớn đối với các các ngành, địa phương trong phát triển nhà ở xã hội. Đến nay, có 11 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 2 dự án đã khởi công xây dựng.
Tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi liên quan quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó, đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án sai phạm, chậm tiến độ trong thời gian qua.
Thành viên Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, điều chỉnh để dự án bất động sản tiếp tục triển khai nhưng không được hợp thức hóa sai phạm.
Đại biểu này đặt vấn đề, đối với những trường hợp của dự án đang kiến kiến nghị được điều chỉnh, liệu sau khi cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh rồi có xảy ra tình trạng tương tự ở dự án khác.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua giám sát việc thực hiện quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội để lắng nghe các khó khăn, đặc biệt vướng mắc về thể chế, các văn bản quy định từ thực tiễn Đồng Nai. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp; đồng thời trình Quốc hội xem xét, xây dựng Nghị quyết thực thi chính sách về thị trường bất động sản trong thời gian tới.