Không để tái diễn tình trạng chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn

Từ ngày 13 đến ngày 17-7, rác thải tại nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội không được vận chuyển, thu gom, gây nhếch nhác cảnh quan, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một số người dân sinh sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác vào. Để tình trạng này không tái diễn, cùng với việc nâng cao ý thức của người dân, cơ quan chức năng cần sớm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân trong triển khai các dự án di dời, tái định cư

Chiều 17-7, người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã gỡ bỏ rào chắn để xe rác vào Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn. Ảnh: VINH PHẠM
Chiều 17-7, người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã gỡ bỏ rào chắn để xe rác vào Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn. Ảnh: VINH PHẠM

Từ tối 13-7, khoảng 90 người dân các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tập trung dựng lều bạt, chặn không cho các xe ô - tô chở rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn). Nguyên nhân chính dẫn đến hành động này là do từ ngày 5-6 đến ngày 8-7, trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn của Liên danh Phú Điền - SFC dừng vận hành do chậm trễ khi chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu xử lý nước rỉ rác, dẫn đến nước rỉ rác bị ứ đọng, bốc mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng môi trường sống của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, hành vi chặn xe chở rác của người dân hai xã nêu trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, vì hàng nghìn tấn rác thải không được vận chuyển vào nơi xử lý, bị ùn ứ trên nhiều tuyến phố, khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng triệu người dân Thủ đô.

Để giải phóng lượng rác thải ùn ứ, chiều 14-7, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) đã tiến hành phân luồng lưu chứa tạm thời số rác thải. Theo phương án này, rác thải của các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng, với khối lượng khoảng 1.300 tấn/ngày đêm được lưu chứa tại điểm trung chuyển Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); rác thải từ các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai đưa về bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây)... Mọi việc tưởng chừng tạm thời được giải quyết, nhưng đến tối 15-7, một số người dân sinh sống bên đường Phúc Diễn (quận Nam Từ Liêm) lại tổ chức chặn không cho xe chở rác thải vào tập kết tạm tại điểm trung chuyển Cầu Diễn, khiến hàng chục xe chở rác bị ùn ứ xếp thành hàng dài, kéo dài nhiều giờ trên đường Trần Hữu Dực và đường Phúc Diễn. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân chặn xe ở bãi rác Nam Sơn ngoài nguyên nhân nước rỉ rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, còn do nguyên nhân sâu xa từ việc triển khai dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác Nam Sơn. Dự án này liên quan khoảng 1.000 hộ dân của ba xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn. Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng (GPMB) là hơn 396 ha, gồm hơn 131 ha đất nông nghiệp, 102 ha đất ở và hơn 163 ha đất rừng, đất giao thông, thủy lợi, với tổng số tiền đền bù khoảng 3.400 tỷ đồng. Thành phố phấn đấu hoàn thành GPMB trong năm 2019 và từ tháng 7-2019, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB bắt đầu thực hiện, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, đến nay mới có 75 ha, chiếm 57% tổng diện tích đất nông nghiệp hoàn thành bồi thường, hỗ trợ GPMB. Đối với diện tích đất ở, mới có 28 thửa đất hoàn thành thẩm định, 43 thửa dự kiến hoàn thành trước ngày 26-7, còn lại huyện đang phối hợp với các xã xác nhận nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng công trình, xác nhận nhân khẩu, hộ khẩu sinh sống tại địa điểm thu hồi đất để làm cơ sở bố trí tái định cư. Còn toàn bộ diện tích đất rừng đang trong quá trình rà soát hồ sơ kiểm đếm diện tích của các xã. Do tiến độ triển khai chậm, các kiến nghị của người dân liên quan diện tích đất ở, tài sản, công trình trên đất còn chưa được làm rõ... cho nên một số hộ dân chưa đồng tình.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân trong diện di dời, để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách. Thành phố chỉ đạo địa phương và các sở, ngành tạo điều kiện tốt nhất về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB, bố trí tái định cư cho người dân trong vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn. Thành phố cũng nhiều lần yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ GPMB để đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện hiện đại, thân thiện với môi trường. Nhưng trên thực tế, các dự án này “trên nóng, dưới lạnh”. Tiến độ đền bù, GPMB chậm dẫn đến người dân địa phương bức xúc, cố tình ngăn chặn xe chở rác vào bãi rác. 

Sáng 17-7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đào Đức Toàn và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, đại diện các sở, ngành và lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã tổ chức đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn. Tại buổi đối thoại, nhiều người dân cho biết, họ chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, nhất là việc áp mức giá bồi thường đất ở quá thấp so với giá mua đất tái định cư; tiến độ GPMB dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác chậm trễ… Tại buổi đối thoại, đồng chí Đào Đức Toàn cho biết, trong thời gian qua TP Hà Nội luôn quan tâm và đã có nhiều chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… dành cho người dân các xã trong khu vực bãi rác Nam Sơn. Đối với dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn, thành phố có đầy đủ cơ chế, chính sách có lợi nhất về bồi thường, GPMB cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm trễ. Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Đào Đức Toàn nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những tồn tại mà cán bộ cơ sở làm chưa tốt. Đồng chí đề nghị UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã và người dân tiếp tục giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án với tinh thần bảo đảm tối đa quyền lợi chính đáng cho người dân; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Ngay trong tháng 7, UBND huyện Sóc Sơn phải tập trung hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, GPMB đối với diện tích đất nông nghiệp cho người dân, đối với đất ở hoàn thành trong năm nay. Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhất việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư, tạo điều kiện để người dân sớm ổn định cuộc sống. 

Ngay sau buổi đối thoại, chiều 17-7, người dân đã tháo dỡ lều bạt, thu dọn các vật dụng ngăn cản, các xe chở rác đã đưa rác vào bãi rác Nam Sơn. Nhưng, về lâu dài, để tránh tái diễn tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, cử cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm, năng lực hỗ trợ UBND huyện Sóc Sơn trong công tác GPMB. Từ nay đến cuối năm 2020, UBND huyện Sóc Sơn phải coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, để tập trung GPMB, bảo đảm hoàn thành bồi thường, hỗ trợ đúng yêu cầu của thành phố. Đồng thời, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình thực hiện không đúng chính sách, nhũng nhiễu người dân trong quá trình GPMB. Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp, thực hiện đúng các chính sách của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi.