Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

NDO -

Khẩn trương xây dựng các phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Quốc hội phương án bổ sung nguồn lực để đẩy mạnh mua, phổ biến vaccine... là những giải pháp được tính đến nhằm thực hiện “mục tiêu kép” trong những tháng cuối năm. 

Minh họa.
Minh họa.

Trước tác động chưa từng có của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, sản xuất công nghiệp tháng 5 và năm tháng đầu năm 2021 của cả nước vẫn giữ nhịp tăng trưởng. Riêng hai tỉnh có dịch xâm nhập vào khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có chững lại nhưng tính chung năm tháng vẫn tăng trưởng ở mức hai con số.

Sản xuất công nghiệp khả quan

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế vĩ mô năm tháng đầu năm tiếp tục được duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,29% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm.

Tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp đáng khích lệ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 tăng nhẹ 1,6% so tháng 4 và tăng 11,6% so cùng kỳ.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1-5 cũng tăng nhẹ so tháng trước và cùng kỳ năm trước, nhất là trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm tháng vẫn tăng cao, đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,5% so cùng kỳ.

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là làn sóng Covid-19 lần thứ tư có ảnh hưởng thế nào đối với một số địa phương là trọng điểm phát triển công nghiệp và xuất khẩu như Bắc Giang và Bắc Ninh.

Theo Cục Thống kê Bắc Giang, dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng và xâm nhập vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã làm sản xuất công nghiệp của địa phương này chững lại và giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 5, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Bắc Giang giảm 40,9% so tháng 4 và giảm 33,3% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lớn phải dừng sản xuất, như: Hosiden, Newwing, ST tech, Shin young, Luxshare. Các ngành giảm mạnh là sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất đồ uống, may mặc, sản xuất giấy... Tại Bắc Giang cuối tháng 5 đã phải tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp với 375 doanh nghiệp và hơn 163 nghìn công nhân.

Tuy nhiên, một số ngành sản xuất hoạt động ngoài khu công nghiệp vẫn duy trì bình thường và đạt mức tăng khá như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất kim loại; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu...

Tính chung từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Bắc Giang vẫn tăng trưởng 19,1%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò chi phối và tiếp tục tăng trưởng ở  mức hai con số.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm nhẹ 2,2% so tháng 4 nhưng tăng ở mức rất cao (31,7%) so cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương này tăng 14% sau khi giảm liên tiếp ở cùng kỳ hai năm trước.

Việc thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, khoanh vùng các điểm có dịch Covid-19 đề phòng lây lan, nhất là tại các khu công nghiệp kiểm soát chặt chẽ là nhân tố quan trọng đóng góp vào kết quả trên. Trong đó phải kể đến sự kiểm soát chống dịch và duy trì sản xuất tốt tại Tổ hợp Samsung.

Theo Cục Thống kê Bắc Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 14%. Hoạt động đầu tư vẫn tiếp tục sôi động với 14 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới trong tháng 5, vốn đăng ký 61 triệu USD. Riêng hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh giảm sâu trong tháng 5 và tính chung năm tháng giảm 5,7% so cùng kỳ.

Phương án phòng, chống dịch trong khu công nghiệp

Cập nhật diễn biến mới của “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 khi TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội, Bộ KH và ĐT nhận định thực tế này có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và thu ngân sách chung của cả nước do TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là khi những dự báo đưa ra gần đây cho thấy, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có khả năng tiếp tục kéo dài.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và sáu tháng cuối năm, Bộ KH và ĐT đề nghị Bộ Y tế phối hợp các địa phương khẩn trương xây dựng các phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế. Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine với khu vực bị ảnh hưởng và có khả năng bùng phát dịch.

Bộ Tài chính tập trung bố trí nguồn lực, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để đẩy mạnh mua, phổ biến vaccine; trường hợp cần thiết, báo cáo Quốc hội phương án bổ sung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời khẩn trương ban hành quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam để huy động nguồn lực từ xã hội.

Trước tình hình dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan trong các khu công nghiệp, về phía Bộ KH và ĐT sẽ phối hợp Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch bệnh đến các khu công nghiệp, đề xuất những giải pháp nhằm duy trì sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ tháng 4-2021, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với tầm nhìn từ ngắn hạn sang dài hạn, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong xây dựng kế hoạch phục hồi và sản xuất kinh doanh khi làn sóng dịch lần thứ tư qua đi.

Đó là các giải pháp về chính sách thuế, phí; lãi suất và thúc đẩy đầu tư công. Riêng đối với chính sách an sinh xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn tất phương án để trình Chính phủ. Trong đó, thiết kế chính sách theo hướng dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là làm rõ điều kiện, mức hỗ trợ của doanh nghiệp, người lao động và người dân trong vùng cách ly so vùng khác.