Có mặt hầu như mọi lúc tại hiện trường vụ cháy, trưa 11/4, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ, đồng thời chỉ đạo cho rút bớt lực lượng chữa cháy, chỉ để lại khoảng 100 người tham gia ứng trực, phun nước làm mát chân rừng, phòng cháy ngún...
Trắng đêm với "giặc lửa"
Trở lại khu vực cháy tại Nông trường 402 vào sáng 11/4, chúng tôi nhận thấy cây rừng và các loại thực bì, dây leo hầu như đã thành than. Một số cây tràm thưa thớt còn sót lại đang héo quắt, chờ chết. Bên bìa rừng tại một đoạn kênh nhỏ, một tổ máy bơm tăng cường từ Vườn quốc gia U Minh Hạ tham gia chữa cháy cũng vừa tạm ngưng bơm nước. Các thành viên ai cũng bơ phờ. "Giờ này ăn cái gì cũng thấy ngon, đói quá vì tối qua đến giờ chỉ có một bữa cơm, toàn ăn mì, uống nước suối cầm hơi", Ðội trưởng tổ máy bơm Ngô Văn Kháng nói.
Trước đó, khoảng 12 giờ trưa 10/4, khói lửa ngùn ngụt xuất hiện tại khu vực đất rừng sản xuất của Nông trường 402. Khu vực cháy nằm trên địa giới hành chính ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời do Quân khu 9 quản lý, không thuộc diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ngay khi vụ cháy xảy ra, Chủ tịch và một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương huy động các lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ để dập lửa. Cách khu vực cháy khoảng 8-10 km theo đường chim bay, lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Hạ tăng cường ngay hai tổ máy bơm chuyên dụng với gần 20 nhân sự tham gia chữa cháy.
Với vai trò chỉ huy trưởng của hai tổ máy bơm, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết: "Chỉ khoảng 30 phút từ khi lửa khởi phát, lực lượng của vườn đã có mặt tại hiện trường để tham gia dập lửa. Cùng với các lực lượng hiệp đồng khác, chúng tôi trực chiến chữa cháy xuyên đêm đến tận sáng hôm sau".
Chính quyền tỉnh Cà Mau đã huy động tổng lực lượng gần 600 người với 16 tổ máy bơm, ba xe chữa cháy chuyên dụng cùng nhiều thiết bị liên quan của nhiều đơn vị khác nhau để tham gia dập lửa. Tuy nhiên, việc chống chọi với "giặc lửa" gặp rất nhiều bất lợi do đang trong cao điểm mùa khô, nước dưới kênh trong khu vực còn rất ít, nhiều kênh không còn nước và liên tục gặp gió mạnh.
"Khoảng ba giờ sau vụ cháy, lửa bén sang năm hướng khác nhau nên lực lượng chữa cháy phải chia thành năm mũi để cắt lửa. Ðến khoảng 2 giờ sáng hôm sau, lực lượng chữa cháy cơ bản khống chế được đám cháy và tạo được một đường băng cản lửa đủ lớn để lửa không cháy lan qua các khu vực lân cận", ông Quách Văn Tường, Ðội trưởng Ðội cơ động đóng chốt tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, được tăng cường tham gia chữa cháy, kể lại.
Ngay trong chiều 10/4, chính quyền xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) đã vận động di dời người già, trẻ nhỏ tại 20 hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đến trú ngụ nhà người thân. "Nhờ nỗ lực xuyên đêm mà đám cháy được khu biệt trong phạm vi đất rừng sản xuất khoảng 40 ha của Nông trường 402, chỉ một vài đốm nhỏ bén sang khu 100 ha kế cận nhưng cũng đã được dập tắt kịp thời", Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời Nguyễn Minh Nhứt cho biết.
Phun nước làm mát chân rừng phòng cháy ngún tại Nông trường 402 , sáng 11/4. |
Lo trước, phòng xa, cơ động nhanh...
Trong buổi sáng 11/4, lực lượng chức năng củng cố tại các vị trí ứng trực, tiếp tục dùng máy chuyên dụng phun nước làm mát chân rừng, phòng lửa gây cháy ngún trở lại. Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, vụ cháy gây thiệt hại bước đầu ước tính khoảng 40 ha. Hiện trạng bị cháy là cây tràm tái sinh, cây tràm trồng năm 2019 và thực bì dưới chân rừng... Ðây cũng là vụ cháy rừng thứ ba trên địa bàn tỉnh kể từ đầu mùa khô năm 2024 và là vụ cháy rừng lớn nhất trong ba năm gần đây tại Cà Mau.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra cháy và thiệt hại khoảng 40 ha rừng có những nguyên nhân khách quan như do thời tiết đang vào cao điểm nắng nóng, gió mạnh, nguồn nước dưới kênh khô cạn. Nhưng, về mặt chủ quan, một phần còn do công tác phối hợp ban đầu giữa các lực lượng chưa được nhịp nhàng.
Sáng 11/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan, chính quyền địa phương và chủ rừng tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực tại hiện trường, theo dõi sát tình hình để kịp thời xử lý các điểm có thể cháy trở lại, không để cháy lan, cháy lớn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, dự báo khô hạn gay gắt sẽ kéo dài thêm ít nhất một tháng nữa nên nhiều khả năng phần lớn diện tích rừng khô hạn của tỉnh sẽ chuyển sang cảnh báo cháy cấp 5. Các chủ rừng phải luôn trong tình thế sẵn sàng để ứng phó nhanh, kịp thời với các tình huống, kịch bản xấu nhất.
Tỉnh Cà Mau yêu cầu các chủ rừng, địa phương và các đơn vị có liên quan trong tỉnh thực hiện nghiêm phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt; trong đó nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường tuần tra, canh gác, bảo đảm lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy để xử lý các tình huống phát sinh ngay từ đầu.