Không có ấn ngoài luồng trước giờ khai ấn
Chiều 23/2, tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn, khẳng định với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Trần (Nam Định) cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ khai ấn đã cơ bản được hoàn tất.
Đặc biệt, Ban Quản lý di tích cũng như Ban tổ chức lễ hội đã quán triệt để tuyệt đối không xảy ra tình trạng người dân tự đóng ấn, nhận ấn.
"Việc khai ấn sẽ do các cụ thủ từ đền Trần tiến hành trong đêm 14 tháng Giêng, sau đó mới phát cho nhân dân. Việc phát ấn cũng sẽ do Hội Cựu chiến binh và Hội cao tuổi phường sở tại thực hiện theo phân công. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định tại lễ hội khai ấn đền Trần năm nay không có tình trạng ấn ngoài luồng", ông Bình khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần Nam Định khẳng định: Sẽ không có tình trạng ấn ngoài luồng tại lễ hội năm nay. |
Thông tin thêm về công tác tổ chức, ông Bình cho hay, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đã được tổ chức như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước Nước, tế Cá…, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Từ mùng 1 Tết Giáp Thìn đến nay, theo ước tính có khoảng 200 nghìn lượt khách tới thăm, đi lễ, vãn cảnh.
Dự kiến từ sớm lượng khách về đền chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh và xin lộc ấn đầu năm sẽ rất đông, ban tổ chức và nhà đền dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương.
Cũng theo ông Bình, triển khai và hoàn thiện công tác tổ chức qua từng năm, lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024 sẽ có nhiều điểm mới. Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Trọng tâm là các hoạt động vào đêm Khai ấn 14 tháng Giêng và hoạt động phát ấn bắt đầu từ sáng sớm ngày rằm.
Người dân dâng hương, làm lễ trước giờ khai ấn đền Trần. |
Trong thời gian làm lễ Khai ấn, Ban tổ chức sẽ đóng cửa đền Thiên Trường để bảo đảm sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (24/2), nhà đền sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm, bao gồm ba nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng Giêng (25/2), hoạt động phát ấn tiếp tục được tổ chức tại các nhà Giải Vũ từ 7 giờ sáng hằng ngày.
“Dự kiến từ sớm lượng khách về đền chiêm bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh và xin lộc ấn đầu năm sẽ rất đông, Ban tổ chức và nhà đền dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương…”, ông Bình cho biết.
Bên cạnh đó, năm nay, toàn bộ các ki-ốt trưng bày, triển lãm, dịch vụ được di chuyển sang sân Quảng trường Đông A khu trung tâm lễ hội đền Trần. Từ đó, tạo không gian thông thoáng cho khu vực khuôn viên đền Trần, đảm bảo uy nghiêm, tránh tình trạng du khách đi lễ, tham quan phải chen lấn, xô đẩy như mọi năm.
Công tác an ninh được bảo đảm trước giờ khai ấn. |
Cũng theo ông Bình, công tác tổ chức đối với lễ hội trọng điểm này luôn được đề cao các yếu tố trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự. Ban quản lý khu di tích phối hợp chặt chẽ với ba phường và các ngành liên quan thực hiện công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội; sắp xếp ổn định các ki-ốt; không để người hành khất, hát rong, người bán hàng trái phép vào khu vực lễ hội và khu vực trước cổng đền.
Để bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ khai ấn sẽ có 2.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng được huy động tham gia đảm bảo an ninh trật tự, chia thành 5 vòng, trong đó trực tiếp 4 vòng tại khu vực đền Trần với gần 40 chốt bảo vệ, không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn trong lễ hội.
Những thông tin thú vị về lễ khai ấn đền Trần
Theo các tư liệu lịch sử, lễ khai ấn đền Trần bắt đầu được tổ chức vào năm 1239, thời vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần. Đây là nghi lễ cúng tế tổ tiên của các vua nhà Trần tại nơi dòng tộc Trần phát tích là làng Tức Mặc, sau này là phủ Thiên Trường. Trong sự kiện đặc biệt này, các vua Trần còn tổ chức tiệc chiêu đãi và phong hầu cho các vị quan có công với đất nước. Từ khi giặc Nguyên Mông xâm lược thì lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1269 mới được vua Trần Thánh Tông mở lại.
Từ đó, lễ khai ấn đền Trần được diễn ra hàng năm vào rằm tháng Giêng, thường vào ban đêm từ 11 giờ ngày 14 tháng Giêng đến 1 giờ ngày 15 tháng Giêng. Khai ấn vào thời điểm này mang ý nghĩa như tín hiệu đánh dấu kết thúc những ngày Tết cổ truyền dân tộc, nhắc nhở nhân dân tiếp tục công cuộc lao động sản xuất.
Lễ khai ấn đền Trần là một nét đẹp văn hóa của người dân Thành Nam. |
Theo ông Trần Minh Chiến, Thủ từ đền Trần, nghi lễ trong lễ khai ấn được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ. Thời xưa, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng Rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Tại đền Hạ, các bô lão khoác lên mình áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn.
Lúc này, hòm ấn được đặt nghiêm trang trên bàn thờ, trong hòm có hai con dấu bằng gỗ. Đến giờ Tý, chủ lễ làm lễ ở đền Hạ để xin rước ấn lên kiệu sang đền Thượng, dâng hương cáo thiên địa ở bàn thờ Trung thiên, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin khai ấn. Khi tiếng chuông điểm vang lên, chủ tế sẽ đóng ấn vào tập giấy điệp, chính thức bắt đầu cho lễ khai ấn đền Trần.
Ngày nay, lễ khai ấn đền Trần đã được kéo dài hết tháng Giêng, để tạo điều kiện cho du khách thập phương có thể xin lá ấn may mắn đầu năm. Bên cạnh đó, công tác tổ chức cũng được bảo đảm để người dân có thể vui xuân an toàn, văn minh.
Ảnh: Thành Đạt |