Không chấp nhận những hành vi quảng cáo phản cảm

NDO -

Thực hiện việc quảng bá sản phẩm không phù hợp, hành vi của một nhóm thanh niên đang bị dư luận lên án nghiêm khắc. Từ đây cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các hành vi đi ngược lại văn hóa cộng đồng.

Nhóm thanh niên cởi trần, quảng cáo sản phẩm trên tàu Cát Linh-Hà Đông đang được lan truyền trên mạng.
Nhóm thanh niên cởi trần, quảng cáo sản phẩm trên tàu Cát Linh-Hà Đông đang được lan truyền trên mạng.

Mới đây, vụ việc một nhóm thanh niên cởi trần, tạo dáng chụp ảnh quảng cáo sản phẩm trên tàu điện Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đang khiến dư luận hết sức bất bình. Bởi lẽ, những người này chiếm gần hết một khoang tàu, biến nơi đây như một không gian riêng của mình để thoải mái khoe thân, chụp ảnh.

Trang phục những người này khoác trên người là bộ quần áo của ông già Noel, tuy nhiên lại cách điệu kệch cỡm với mũ và quần đỏ, không hề có áo nhằm khoe cơ thể. Vì là hành động có chủ ý nên nhóm người thực hiện những cách tạo dáng khêu gợi, phản cảm ngay nơi công cộng, trước sự chứng kiến của nhiều đối tượng, trong đó có cả người già, trẻ em.

Thông tin từ Công ty Hanoi Metro cho biết, nhóm thanh niên đã lên tàu từ ga vành đai 3, sau đó di chuyển về hướng ga Cát Linh. Khi xuất hiện, cả nhóm đều mặc bộ quần áo ông già Noel, nhưng khi vào vị trí toa khách, nhóm nam thanh niên đã đồng loạt cởi áo, cầm biển quảng cáo sản phẩm để chụp ảnh ngay trong khi tàu chạy.

Theo đại diện đơn vị cho biết, vì không có chức năng xử lý hành vi hành khách ăn mặc phản cảm nên khi phát hiện thấy những biểu hiện đáng chê trách này, Công ty chỉ có thể từ chối phục vụ và yêu cầu nhóm thanh niên xuống tàu tại ga Cát Linh.

Từ những bức ảnh ghi lại có thể thấy mục đích của nhóm người này là quảng cáo cho một nhãn hiệu sản phẩm. Cần khẳng định rằng, việc quảng cáo sản phẩm là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động quảng bá, giới thiệu này cần tuân thủ các quy tắc chung về văn hóa cũng như pháp luật. Với những gì đã diễn ra, được chính nhóm người này ghi lại và đăng tải trên mạng xã hội, thì dường như các yếu tố này bị xem nhẹ. Điều này giúp lý giải phản ứng bức xúc của dư luận, bởi nhiều ý kiến cho rằng, với các hành vi khoe thân phản cảm được nhóm người này thể hiện nơi công cộng là khó có thể chấp nhận được, vô hình trung đã tạo ra một “quảng cáo bẩn” rất cần phải ngăn chặn. Việc quảng bá nhãn hiệu của sản phẩm mà nhóm người này thực hiện do đó cũng đã trở nên phản tác dụng vì những hành vi không đẹp. Thậm chí có ý kiến đề xuất biện pháp xử lý với nhóm người trên.

Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (ngày 29/3/2021), tại khoản 4 Điều 34 có quy định Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, hành vi sau đây: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” sẽ bị xem xét phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Sự việc đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, từ những phản ứng bất bình của dư luận, rất cần doanh nghiệp nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bởi, mục đích của việc quảng bá sản phẩm là giúp đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng dưới nhiều cách thức khác nhau, để mong muốn người tiêu dùng có ấn tượng tốt về sản phẩm, và cân nhắc việc sử dụng sản phẩm trong tương lai.

Tuy nhiên, với những cách thức quảng bá không phù hợp thì sẽ lợi bất cập hại, doanh nghiệp cũng như sản phẩm của doanh nghiệp có khi phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của cộng đồng. Thực tế, thời gian qua đã có những trường hợp tương tự cho thấy việc lựa chọn hình thức quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách đúng đắn là vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.