Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng; đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có hơn 250 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, phường xã, các viện, trường đại học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Chương trình Hội thảo diễn ra trong 1 ngày, với 2 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên theo các nhóm chủ đề là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đây là một trong những hoạt động triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo Chính phủ tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các sở, ban, ngành xây dựng, ban hành Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 12/1/2023 và tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, ở các cấp Sở, ngành đã cơ bản tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản, báo cáo tham luận chuyên môn gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Các quận, huyện và phường xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến ở địa phương mình. Các cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố cũng triển khai tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo được sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân.
Hội thảo cấp thành phố là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm mục đích để trao đổi, lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân từ cơ sở về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau phiên khai mạc, hội thảo chia thành 4 nhóm chuyên đề để thảo luận, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, những bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai, nhất là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và bản án của Tòa án, nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Các ý kiến đóng góp tập trung vào 39 nhóm vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và nhóm các luật về đầu tư; về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, xây dựng, nhà ở, công nghiệp; nhóm các luật về nông, lâm nghiệp, thủy sản; Chính sách thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Bồi thường, chuyển đổi đất nông nghiệp và chuyển đổi ngành nghề, đào tạo việc làm.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, nội dung bỏ khung giá đất trong Luật đất đai (sửa đổi) là phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn trước khi đưa chủ trương mới có tính căn bản của dự luật này đi vào cuộc sống.
Giá đất hiện tại được nhà nước ban hành 5 năm một lần, theo các đại biểu thì khoảng thời gian trên có biên độ quá rộng, vì vậy khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế.
Tuy nhiên, nếu điều chỉnh khung giá đất mỗi năm 1 lần thì đối với cơ quan quản lý, khối lượng công việc lớn sẽ gây áp lực đối với đội ngũ cán bộ công chức.
Đại biểu Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thực hiện bảng giá đất, chúng tôi làm nhanh là phải 6 tháng, không còn thời gian cho những công việc khác, mà nhân lực thì đang phải tinh giảm theo chủ trương chung.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục quy hoạch phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Đây là tiền đề để thay đổi quy định về xác định giá đất cụ thể đối với từng trường hợp cho phù hợp và sát thực tiễn, sát thị trường.
Về nguyên tắc, phương pháp thẩm định giá đất tại mục 2 điều 153, hiện vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề thành lập Hội đồng thẩm định giá, các chuyên gia cho rằng nếu không khéo sẽ xảy ra trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi. Khó bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan trong thẩm định giá đất.
Căn cứ vào kết quả lấy ý kiến của nhân dân, chuyên gia, lãnh đạo các cấp… về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo trình UBND thành phố Đà Nẵng thông qua, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, nghiên cứu, điều chỉnh… trước khi trình Quốc hội thông qua, góp phần khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.