Tại hội nghị, có 12 ý kiến của các huyện, thị xã, thành phố, 3 ý kiến tham gia của các xã, thị trấn và 17 ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tham gia đóng góp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về cơ bản, các đại biểu nhất trí về nội dung dự thảo Luật Đất đai và tham gia ý kiến về một số vấn đề như: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Các ý kiến cũng đóng góp về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu, các ngành chức năng, các bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia của các đại biểu.
Đồng chí Lưu Văn Bản đề nghị các địa phương, cơ quan, tổ chức, trên địa bàn tỉnh tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục nghiên cứu tham gia đóng góp các nội dung liên quan nhóm đất đai dành cho nông nghiệp; ngành xây dựng tham gia góp ý các nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở, khu đô thị, khu dân cư, các loại đất ở; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung liên quan đến đất rừng, khoáng sản, đất xâm canh, xâm cư, đất dành cho tôn giáo, tính ngưỡng, đất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất dành cho giao thông, y tế, giáo dục...
Bên cạnh đó, các nhóm vấn đề như đất thỏa thuận, chuyển nhượng, giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư... cũng cần được nghiên cứu, cụ thể hóa chi tiết.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục đôn đốc, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc công khai, tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện báo cáo góp ý bảo đảm đúng, đủ, kịp thời.