Khơi thông động lực tăng trưởng mới

NDO - Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo các động lực phát triển mới đang trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới”.

Diễn đàn góp phần nhận diện và phát huy những động lực tăng trưởng cũ và mới có ý nghĩa quan trọng, góp phần thiết thực cho điều hành, phát triển nền kinh tế trong năm 2024. Theo đó, các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng,... cần tiếp tục được đẩy mạnh; đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đưa ra nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao.

Trong nước, dù nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi và có nhiều điểm sáng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng đến 22,8%.

Trong bối cảnh khó khăn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Cùng với đó, Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính Phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa kinh tế-xã hội phát triển.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định: Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống cũng như khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức, hành động và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ còn có không ít khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã cũng thảo luận cởi mở, thẳng thắn, gợi mở nhiều giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững, cần thực hiện các giải pháp cụ thể như nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.

Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng như sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen); hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như luôn tiên phong đổi mới sáng tạo.