Khơi thông “điểm nghẽn” cho thị trường bất động sản

NDO - Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (cơ quan thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận, trường bất động sản Việt Nam gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định thể hiện ở một số khía cạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Các đại biểu tham gia hội thảo.

Nguyên nhân là do sự thiếu hụt nguồn cung; lệch pha cung-cầu; giá nhà neo cao; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; khách hàng mất niềm tin,… Nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm mạnh. Đến hết quý III năm nay, cả nước có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% so cùng kỳ.

Cụ thể, cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân lại rất hạn chế, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giá nhà ở vì thế neo ở mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý IV năm nay.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp phải không ít khó khăn, nhất với việc tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công,… Cùng với đó là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản năm nay phát triển khá bất thường và có sự khác biệt so với thế giới và khu vực. Nguyên nhân chính là do thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng; cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều; đầu cơ và cuối cùng là tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề. Do đó, khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tiến hành tái cấu trúc, phấn đấu trả hết các khoản nợ đến hạn phải trả; không trả được phải đàm phán khất; đồng thời chấp nhận cắt lỗ, bán đi một số tài sản, dự án để có tiền trả nợ.

Các chuyên gia bất động sản cũng đánh giá, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thị trường đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diện những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản để có giải pháp trước mắt và căn cơ để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt và thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ, ngành để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo mâu thuẫn và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm ở một số địa phương, dự án. Về lâu dài, cần tập trung sửa đổi triệt để các văn bản pháp luật còn chồng chéo, cùng với đó, các địa phương cần nắm bắt, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bất động sản.