Vừa qua, ba ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank và MB đều được nâng hạng. Cụ thể, tín nhiệm của MB được nâng lên mức BB- từ B+ với triển vọng tích cực; Vietcombank và VietinBank từ BB- lên BB với triển vọng tích cực. Xếp hạng hỗ trợ chính phủ GSR cũng được nâng hạng lên mức BB từ BB- trước đó. Fitch Ratings đánh giá: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Các hoạt động giám sát của NHNN trong những năm gần đây và phản ứng chính sách đối với các sự kiện củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng, các cơ quan chức năng có xu hướng hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng quốc doanh nói riêng”.
Nhưng tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng cho rằng, những chính sách thắt chặt gần đây đã làm tăng rủi ro tái cấp vốn cho nhiều nhà phát triển bất động sản và gây áp lực đến tâm lý của người mua nhà. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì sự linh hoạt để hỗ trợ thị trường. Do đó, xác suất xảy ra suy thoái mạnh về nhà ở có thể ảnh hưởng đến xếp hạng trong danh mục đầu tư đối với các ngân hàng và nhà phát triển được xếp hạng công khai của Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Căng thẳng đang xuất hiện trên thị trường tín dụng do những chính sách mạnh mẽ hơn ngăn ngừa và loại bỏ các rủi ro đối với hoạt động không minh bạch trong ngành tài chính. Như việc ban hành Nghị định 65/2002/NĐ-CP sửa đổi thắt chặt các điều kiện phát hành trái phiếu thông qua phát hành riêng lẻ có hiệu lực vào tháng 9/2022.
Các động thái nhằm ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn trong việc cấp vốn cho nhà phát triển là một dấu hiệu tích cực cho tính bền vững lâu dài của hoạt động cấp vốn cho ngành. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn đến sự biến động của hệ thống tài chính trong thời gian ngắn, đặc biệt nếu việc rút thanh khoản diễn ra quá đột ngột. Sự lo ngại về khả năng có thêm quy định đối với thị trường trái phiếu và các hoạt động vay mượn khác cũng có thể làm phức tạp thêm việc huy động vốn cho các tổ chức phát hành khác trong nước.
Dữ liệu về hồ sơ phát hành và đáo hạn trái phiếu cũng chưa rõ ràng. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam ước tính khối lượng lưu hành vào cuối nửa đầu năm 2022 là 690 nghìn tỷ đồng (khoảng 7,8% GDP) trong khi Bộ Tài chính đưa ra con số 1.265 nghìn tỷ đồng. Cả hai con số này đều tương đối thấp so với tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng, tương đương khoảng 126% GDP.
Các ngân hàng thương mại là nguồn có khả năng nhất để tái cấp vốn cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, với giả định việc phát hành mới vẫn gặp hạn chế. Nếu các ngân hàng được phép làm như vậy, ước tính việc tái cấp vốn cho khoản nợ trái phiếu sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn của ngành xuống dưới 100 điểm cơ bản. Điều này sẽ làm xói mòn thêm bộ đệm vốn, vốn đã mỏng, nhưng có thể quản lý được trên cơ sở toàn hệ thống, giả sử không có tác động lớn hơn đến chất lượng tài sản.
Phát hành trái phiếu là một nguồn tài chính quan trọng cho các nhà phát triển và một số công ty có đòn bẩy cao có thể phải đối mặt với căng thẳng tái cấp vốn khi đáo hạn, đặc biệt là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất điều hành kể từ tháng 9/2022. Vào tháng 11, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, một số công ty đã buộc phải bán tài sản với giá chiết khấu cao và Nova Land, nhà phát triển bất động sản có niêm yết lớn thứ hai của Việt Nam, đã cắt giảm nhân sự.
Hiện tại, yếu tố quan trọng với thị trường bất động sản là tâm lý người mua nhà. Rủi ro căng thẳng về tài chính của các nhà phát triển và tin đồn trên thị trường về những căng thẳng như vậy - có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà. Điều này đã được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, nơi việc bán căn hộ trước khi hoàn thành là một nguồn vốn quan trọng của nhà phát triển.
Doanh số bán nhà ở giảm sút sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng, thậm chí vượt ra ngoài lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, Fitch Ratings cho rằng, nếu tâm lý người mua nhà có dấu hiệu suy yếu mạnh, các cơ quan chức năng có thể sẽ hỗ trợ, chẳng hạn bằng cách nới lỏng các điều kiện tín dụng cho lĩnh vực này. Hơn nữa, các nền tảng kinh tế cơ bản của Việt Nam vẫn thuộc hàng mạnh nhất trong khu vực, bất chấp triển vọng xuất khẩu yếu hơn trong vài tháng tới. Fitch đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,4% vào năm 2022 và 6,2% vào năm 2023.