Thị trường bất động sản cuối năm chờ thanh khoản

Thời điểm này, ngoài những khó khăn về nguồn vốn, thị trường bất động sản (BĐS) còn phải đối mặt không ít trở ngại như lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án… Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giải cứu thị trường, giúp những doanh nghiệp, dự án đủ tiềm lực, năng lực vượt qua khó khăn hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản đang khá trầm lắng so thời điểm đầu năm.
Thị trường bất động sản đang khá trầm lắng so thời điểm đầu năm.

1/Có nhu cầu mua nhà, anh Nguyễn Văn Phong (Đống Đa, Hà Nội) đang tìm những dự án có thanh khoản tốt, có thể vào ở được luôn, giá trong khoảng từ 2-3 tỷ đồng. Hằng ngày, anh vẫn nhận được nhiều cuộc điện thoại tư vấn mua BĐS các dự án trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, anh vẫn chưa tìm được căn hộ nào ưng ý.

Nhiều tháng nay, anh Phong đi khảo sát và thấy giá các loại hình BĐS đều đang có xu hướng giảm dần. “Hiện, chung cư đã đưa vào hoạt động giảm khoảng 30% so vài tháng trước. Cụ thể, giá một căn hộ 70m2 tại đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) đã giảm 300-400 triệu đồng. Còn các dự án đóng theo tiến độ tuy cũng giảm theo, nhưng chưa biết khi nào bàn giao nên không muốn mạo hiểm”, anh nói.

Tâm lý của anh Phong cũng giống với các nhà đầu tư khác vào thời điểm này. Đó là băn khoăn giữa hai trạng thái: nên mua luôn lúc này, khi giá nhà đang giảm hay tiếp tục chờ giảm thêm nữa? Nhưng dù thế nào, tâm lý chung của họ vẫn là lo lắng và chưa sẵn sàng quyết định, dù hiện tại không ít dự án đang phải chấp nhận giảm giá 20-30%, thậm chí cao hơn. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ phía nhiều người mua lo ngại giá BĐS có thể bật tăng trở lại thời điểm sau Tết. Như vậy, họ vừa dùng dằng nếu không mua lúc này thì giá BĐS sẽ tăng phi mã và lỡ cơ hội sở hữu nhà, nhưng nếu mua thì lại sợ bị hớ vì giá có thể giảm hơn nữa. Với những xáo trộn trên thị trường hiện nay, rất khó đưa ra dự đoán để quyết định, bởi các chỉ số đánh giá còn chưa rõ ràng.

Có thể thấy, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt tín dụng và quản lý chặt chẽ hoạt động huy động trái phiếu, thị trường BĐS rơi vào tình trạng “khát” vốn trầm trọng. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm, kéo theo giá BĐS giảm mạnh. Đáng kể nhất là ở phân khúc đất nền, biệt thự, nhà liền kề. Hiện tại, thị trường bất động sản không còn ở giai đoạn lướt sóng dễ dàng như những năm trước khi mà chỉ cần đặt cọc, có suất mua là đã có lời. Câu chuyện lớn nhất của thị trường lúc này là tiền và thanh khoản, vì thế dù là nhà đầu tư lớn hay nhỏ thì nguy cơ chôn vốn trong lĩnh vực đất đai có khả năng kéo dài trong thời gian tới.

2/Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam về thị trường BĐS quý III/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so cùng kỳ năm 2021. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Càng về cuối năm, thanh khoản gần như “bất động” ở nhiều dự án. Theo các chuyên gia, đây không phải thời điểm dành cho nhà đầu tư lướt sóng, bởi lẽ các sản phẩm không có nhiều và rất rủi ro khi sắp tới có thể sẽ có những thay đổi về lãi suất, cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Chưa kể, mức chiết khấu “khủng” từ 40-50% đưa ra ở thời điểm này thường chỉ áp dụng khi khách hàng thanh toán nhanh, hoặc khách mua thanh toán vượt tiến độ 50%, 70%, thậm chí là trên 90% giá trị sản phẩm và phải dùng vốn tự có (không có hỗ trợ từ ngân hàng).

Đối với lĩnh vực BĐS, thời gian qua cũng có không ít đề xuất cho rằng, Ngân hàng nhà nước nên nới trần tín dụng thêm 1-2% để hỗ trợ thị trường vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS hoạt động có chu kỳ và khi giá đã quá cao, thị trường sẽ phải tự điều chỉnh để trở về đúng giá trị thực. Ở thời điểm này, nếu “bơm” tiền giải cứu ồ ạt, thị trường sẽ xấu hơn, giá nhà đất tiếp tục bị đẩy lên cao quá khả năng người mua, trong khi những pháp lý, thủ tục đầu tư không được tháo gỡ khiến nguồn cung bị ách tắc. Lúc đó bong bóng sẽ càng to và nếu vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định nền kinh tế vĩ mô, cũng như chính sách an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường đang ở giai đoạn trầm lắng, hiện tượng đầu cơ BĐS không còn vì giá đang rất cao. Nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm này thì một vài tháng nữa không bán được, nếu có bán được thì cũng lỗ. Theo ông Đính, thời điểm này nhà đầu tư nên chậm rãi, thận trọng, đánh giá cơ hội đầu tư chính xác nhất rồi hãy xuống tiền cũng chưa muộn.

Chiều 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây được đánh giá là một thông tin tích cực cho nền kinh tế, mặc dù ngân hàng nhà nước yêu cầu tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… Với việc mở rộng tín dụng, nhiều doanh nghiệp, người dân sẽ được hỗ trợ thêm vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong giai đoạn cao điểm tháng 12 đến trước Tết Quý Mão 2023.