Theo Đặc phái viên Bathily, tình hình hiện nay ở Libya và khu vực cho thấy thỏa thuận tạm thời chưa đủ để ngăn chặn các nguy cơ bạo lực và chia rẽ.
Ông lưu ý rằng nếu Libya không có thỏa thuận chính trị toàn diện mở đường cho tiến trình bầu cử hòa bình, đầy đủ và minh bạch, tình hình an ninh, kinh tế-xã hội sẽ ngày càng xuống cấp, đẩy cuộc sống của người dân vào tình thế bất ổn.
Nếu Libya không có thỏa thuận chính trị toàn diện mở đường cho tiến trình bầu cử hòa bình, đầy đủ và minh bạch, tình hình an ninh, kinh tế-xã hội sẽ ngày càng xuống cấp, đẩy cuộc sống của người dân vào tình thế bất ổn.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Libya Abdoulaye Bathily
Do đó, quan chức Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện trách nhiệm chính trị và đạo đức trong việc phá vỡ bế tắc hiện nay và mang lại hy vọng cho khát vọng chính đáng của người dân Libya về bầu cử, hòa bình và thịnh vượng.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Libya nêu rõ, tất cả vấn đề liên quan bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này cần được giải quyết thông qua thảo luận và thỏa hiệp giữa các bên liên quan.
Ông nhấn mạnh các bài học trong 10 năm qua cho thấy bằng mọi giá phải tránh những bước đi đơn phương, nếu muốn chấm dứt các cuộc xung đột bạo lực và môi trường bầu cử phải là sân chơi bình đẳng cho mọi ứng cử viên.
Theo quan chức Liên hợp quốc, hơn bao giờ hết Libya cần chấm dứt tình trạng chia rẽ trong chính quyền. Người dân nước này mong muốn có thể chế chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế và xã hội thống nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bản sắc dân tộc. Do đó, một chính phủ thống nhất trên cơ sở nhất trí của các bên chủ chốt là động lực đưa đất nước đến các cuộc bầu cử.
Phản ứng gay gắt hơn Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki yêu cầu chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch tại Libya. Theo đó, ông Faki đề nghị các bên liên quan gồm quân đội, các phe phái chính trị và xã hội ở quốc gia Bắc Phi này chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch.
Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình an ninh gần đây tại thủ đô Tripoli của Libya khiến nhiều người thương vong. Chủ tịch AU hối thúc triển khai những nỗ lực không ngừng nhằm hướng tới hòa giải dân tộc, đồng thời tái khẳng định rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng tại Libya và sự thống nhất, hòa bình, ổn định và vị thế quốc tế trước đây của Libya chỉ có thể khôi phục được bằng các biện pháp hòa bình.
Những lo ngại của đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực bắt nguồn từ tình trạng bạo lực bùng phát ở Libya những ngày gần đây.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011 và bị chia rẽ sâu sắc sau khi xảy ra sự phân cực giữa các phe phái vũ trang miền đông và miền tây từ năm 2014. Các cuộc xung đột trên quy mô lớn đã tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn năm 2020.
Giữa tháng 8 vừa qua, đụng độ lớn xảy ra tại nhiều khu vực ở thủ đô Tripoli sau khi Chỉ huy Lữ đoàn 444, hiện kiểm soát phần lớn Tripoli, bị Lực lượng răn đe đặc biệt (SDF) bắt giữ tại sân bay Mitiga, làm 55 người thiệt mạng và 126 người bị thương. Đây là vụ đụng độ vũ trang tồi tệ nhất tại Tripoli nhiều tháng qua, dù các cuộc xung đột nhỏ lẻ vẫn xảy ra thường xuyên tại khu vực tây bắc Libya.
Quốc gia Bắc Phi rơi vào hỗn loạn kể từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011 và bị chia rẽ sâu sắc sau khi xảy ra sự phân cực giữa các phe phái vũ trang miền đông và miền tây từ năm 2014. Các cuộc xung đột trên quy mô lớn đã tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn năm 2020.
Tuy nhiên đến nay, các phe phái tại Libya vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài để giải quyết gốc rễ xung đột, khôi phục an ninh, ổn định và sự bình yên cho người dân Libya cũng như cho cả khu vực.