Trong Tháng Thanh niên năm 2022, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chọn ngày 13/3 là Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Qua đây, tuổi trẻ cả nước đã xây mới và tu sửa hơn 500km đường giao thông nông thôn, thắp sáng 322km đường giao thông nông thôn, trồng gần 700km đường hoa, tô điểm 71km con đường bích họa; tổ chức 126 hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; xây 28 cây cầu, 36 nhà văn hóa, hơn 500 nhà vệ sinh, 115 “Nhà nhân ái”, 9 nhà “Khăn quàng đỏ”; trồng 1,1 triệu cây xanh.
Xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong xây dựng nông thôn mới, ngày 17/7, Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” đã tiếp tục được tổ chức Đoàn các cấp triển khai đồng loạt khắp cả nước. Ở cấp Trung ương, Ngày cao điểm diễn ra ở 3 tỉnh: Tuyên Quang, Thanh Hóa và Đồng Tháp.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm (thứ 2 từ phải qua) cùng đại diện các đơn vị liên quan khánh thành công trình “Thắp sáng đường quê” tại xã Tân Bình (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). |
Tại ấp 1 (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), tổ chức Đoàn đã phối hợp các đơn vị liên quan khởi công sân chơi cộng đồng, công trình “Thắp sáng đường quê”, mô hình “Thôn bản không rác thải nhựa”; xây dựng “Nhà nhân ái”; khánh thành gian hàng nông nghiệp số; tổ chức các hội nghị tập huấn đăng ký tem mã, nghiệp vụ du lịch cộng đồng; lắp đặt bồn nước tặng gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn… với tổng giá trị 900 triệu đồng.
Cùng lúc đó, tại thôn Khâu Tràng (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), bên cạnh các nội dung tương tự, Trung ương Đoàn còn tổ chức triển lãm du lịch thôn Khâu Tràng trên nền tảng số; trao tủ sách tặng trường tiểu học, trung học cơ sở; trao học bổng tặng 10 học sinh hoàn cảnh khó khăn; sửa chữa, chỉnh trang trường mầm non; triển khai đội hình “Trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật”… với tổng giá trị 764 triệu đồng.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết (ở giữa) và đại diện các đơn vị liên quan khởi công sân bóng đá cộng đồng tại xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). |
Tại thôn Tân Lập (xã Tân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), các cấp bộ Đoàn cũng đã thực hiện nhiều mô hình, công trình thiết thực như trên với tổng kinh phí 584 triệu đồng.
Được biết, Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” lần này tập trung vào các mũi nhọn: Xây dựng thôn bản thành “Làng quê đáng sống”; hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, khởi nghiệp; tổ chức “Tổ Công nghệ số cộng đồng”, “Đội Trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên, người dân”.
Năm 2022, dự kiến các cấp bộ Đoàn trên cả nước sẽ xây dựng khoảng 2 nghìn km tuyến “Thắp sáng đường quê” từ các nguồn xã hội hóa. Trong đó, 34km tuyến “Thắp sáng đường quê” và 30 sân chơi cộng đồng “Nâng bước thể thao” có sự cam kết đồng hành từ Tổng Công ty Cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn với tổng giá trị khoảng 8,75 tỷ đồng.
Hàng loạt công trình hiện đại, thiết thực
Hưởng ứng Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới”, nhiều tỉnh, thành đoàn đã phát huy sáng tạo, mạnh dạn triển khai những mô hình, chương trình mới với đối tượng thụ hưởng chính là người dân, thanh thiếu niên.
Tiêu biểu, có thể kể đến Tỉnh đoàn Ninh Bình với việc giải ngân 372 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm; Tỉnh đoàn Long An trao 2 nghìn đôi giày tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Tỉnh đoàn Lạng Sơn thu gom 5 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải ruộng đồng; Tỉnh đoàn Lai Châu hướng dẫn, trồng mới hơn 500 nghìn cây quế; Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tư vấn, khám, phát thuốc, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cho 200 thanh niên, người dân…
Các đại biểu hào hứng trải nghiệm sàn nông sản ảo Agriverse trong khuôn khổ Ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới”. |
Đáng chú ý, trong các nội dung của Ngày cao điểm, có việc phối hợp triển khai sàn nông sản ảo Agriverse giai đoạn 2022-2025 giữa Trung ương Đoàn và Công ty Cổ phần Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam. Dự kiến, 2 bên sẽ lắp đặt 300 trạm trải nghiệm trực tiếp Agriverse tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Sàn nông sản trên vũ trụ ảo Agriverse mang lại nhiều lợi ích cho cả thanh niên nông thôn, tổ chức Đoàn và người dân. Đặc biệt, thanh niên nông thôn sẽ có cơ hội tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm, gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng tiềm năng trong nước cũng như quốc tế.
Bên cạnh đó, 2 bên còn phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo trực tuyến, trực tiếp cho cán bộ Đoàn, thanh niên địa phương cũng như những chương trình trải nghiệm, làm quen với canh tác nông nghiệp sử dụng công nghệ cao; vận hành các dự án số hóa nông nghiệp, đổi mới kỹ thuật canh tác; hỗ trợ thanh niên nông thôn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, đồng hành với các nông hộ, doanh nghiệp thanh niên đưa sản phẩm lên nền tảng Agriverse...
Trước đó, 2 bên đã triển khai thử nghiệm 1 số gian hàng tương tự tại các tỉnh Long An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Đắk Nông, Sơn La..., được chính quyền, người dân địa phương và thanh niên nông thôn quan tâm, hưởng ứng.