Các sản phẩm “dược trà” của hai Công ty TNHH một thành viên Hygie & Panacee và Công ty cổ phần TNB Việt Nam đều có trụ sở tại thành phố Cần Thơ đã gây ấn tượng với các giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.
Nữ dược sĩ “biến” rau thành trà
Với chuyên ngành dược sĩ, quá trình công tác, chị Đoàn Thị Hồng Thắm (sinh năm 1979, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) có nhiều cơ hội nghiên cứu về dược liệu (cây thuốc nam) nên ấp ủ một kế hoạch riêng cho tương lại.
Năm 2019, chị chính thức nghỉ việc tại công ty dược lớn và cho ra mắt những sản phẩm trà từ khai thác giá trị dược liệu trên các loại rau, củ quả gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Một dự án “khai thác và nâng tầm giá trị dược liệu từ nông sản Việt để phục vụ nhu cầu nâng cao sức khỏe cộng đồng” được khai sinh.
“Mục tiêu của tôi là đồng hành cùng nông dân miền Tây, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và chung tay thay đổi mô hình trồng trọt từ “bán chợ” sang “làm thuốc””, chị Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hygie & Panacee chia sẻ.
Lần đầu tiên “đem chuông” đi đánh xứ người với các loại trà hòa tan chiết xuất từ rau om tía, rau diếp cá Hygie, củ đinh lăng, gừng chanh sả, gừng mật ong…, chị Thắm đã “ẵm” luôn giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp, sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020”.
Ban Tổ chức đánh giá, tính sáng tạo là ở sản phẩm “trà hòa tan” được chiết xuất theo quy trình nghiêm ngặt vừa bảo đảm giữ được các dược tính từ nguyên liệu và dễ uống. Đây là một trong rất ít sản phẩm “trà dược hòa tan” phục vụ sức khỏe đang có mặt trên thị trường.
Nói về ý tưởng khởi nghiệp sản xuất trà hòa tan từ nông sản, nữ dược sĩ chia sẻ: “Người ta luôn nói người Việt Nam chết trên đống thuốc nam”, mình lại là dược sĩ nên càng hiểu rõ câu nói trên. Dân gian ai cũng biết là ăn húng lá có thể chữa bệnh ho, nhưng ăn thì có bữa, có giờ mà không phải ai cũng ăn được húng lá. Vì thế, quyết định khai thác dược tính của những loại rau củ có trong bữa ăn hàng ngày để “biến” rau thành trà-thức uống, ai cũng có thể uống được”.
Công ty chị Thắm sản xuất 12 loại trà hòa tan từ rau củ, trong đó có 5 loại đạt chứng nhận OCOP 4 sao. |
Từ những thành công ban đầu, được các chuyên gia về lĩnh vực y tế, sức khỏe góp ý, dự án khởi nghiệp “Khai thác và nâng tầm giá trị dược liệu từ nông sản Việt để phục vụ nhu cầu nâng cao sức khỏe cộng đồng” của chị Thắm ngày càng hoàn thiện hơn.
Từ đó, dự án liên tiếp nhận được các giải thưởng cao tại các cuộc thi: Giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long 2021, Giải Nhì Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp-đổi mới sáng tạo năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức…
Hiện nay, công ty chị Thắm có tổng số 12 loại trà dược liệu hòa tan đang được bán ra thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Trong đó có 5 sản phẩm: Trà hòa tan rau om tía, trà hòa tan rau diếp cá Hygie, trà hòa tan củ đinh lăng Hygie, trà hòa tan gừng chanh sả, trà hòa tan gừng mật ong Hygie chứng nhận OCOP 4 sao của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Trà thảo dược từ cây cỏ ngọt, khổ qua rừng
Nằm trong các sản phẩm khởi nghiệp của thành phố Cần Thơ, mới đây Công ty cổ phần TNB Việt Nam (trụ sở tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) đã giới thiệu các sản phẩm trà thảo dược được chiết xuất từ cây cỏ ngọt Stevia và khổ qua rừng.
Trà dược liệu từ cây cỏ ngọt nằm trong sản phẩm khởi nghiệp của thành phố Cần Thơ. |
Theo thuyết minh của nhóm khởi nghiệp, các tài liệu nghiên cứu khoa học và y học cổ truyền, cây cỏ ngọt có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường, cao huyết áp, an thần, ngủ ngon… Chất ngọt trong cỏ ngọt Stevia không calo, không làm tăng lượng đường trong máu, hỗ trợ tốt cho người có bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Còn khổ qua rừng cũng giúp thanh nhiệt, thải độc… Hiện nay, nhóm khởi nghiệp có 4 sản phẩm chính: trà cỏ ngọt, trà khổ qua rừng, viên ngậm khổ qua rừng và viên uống khổ qua rừng.
Ông Lê Văn Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TNB Việt Nam cho biết, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của công ty khi lựa chọn lĩnh vực và sản phẩm để khởi nghiệp.
“Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và người tiêu dùng, chúng tôi đã quyết định sản xuất trà từ cây cỏ ngọt, khổ qua rừng và các sản phẩm khác từ hai loại thảo dược này. Nhưng quyết định đó đã tự làm khó chúng tôi về vấn đề nguyên liệu sản xuất”, ông Tú chia sẻ.
Thế rồi, nhóm của ông Tú như “bắt được vàng” khi có một nhóm các giảng viên Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu, nhân giống và trồng thử nghiệm cây cỏ ngọt Stevia trên thổ nhưỡng của đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thành công của đề tài nghiên cứu, Công ty cổ phần TNB Việt Nam quyết định đầu tư vùng nguyên liệu cỏ ngọt, khổ qua rừng khoảng 3ha theo hướng hữu cơ. Đồng thời, đơn vị này cũng đang mở rộng diện tích ở một số vùng có thổ nhưỡng phù hợp của tỉnh Cà Mau với kế hoạch lên đến 300ha.
Vùng nguyên liệu trồng cây cỏ ngọt theo hướng hữu cơ đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long. |
PGS, TS Tôn Nữ Liên Hương, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, người có nghiên cứu về cây cỏ ngọt nói rằng, điều vui mừng nhất là trồng được cây cỏ ngọt tại miền Tây Nam bộ.
“Bên cạnh tính ngọt, thì cây cỏ ngọt còn có tính dược nên cần được chiết xuất, điều chế, sản xuất đúng quy trình sẽ có thể ứng dụng tốt cho cuộc sống, cho sức khỏe”, PGS, TS Tôn Nữ Liên Hương chia sẻ.