Khởi nghiệp từ hương thảo

Từ tình yêu với những loại hương thảo mộc, sau chuyến du học và tốt nghiệp ngành khoa học cây trồng tại Israel, chị Triệu Thị Loan trở về quê hương Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng và sản xuất các loại trà hoa, chiết xuất tinh dầu thảo dược.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Triệu Thị Loan trong vườn nguyên liệu hoa hồng của The Seed Garden.
Chị Triệu Thị Loan trong vườn nguyên liệu hoa hồng của The Seed Garden.

Giữa miền cao nguyên đất đỏ, những dải hoa hồng lãng mạn, những khóm hương thảo, hoa lài, sả chanh, bạc hà… tỏa hương thơm ngát. Triệu Thị Loan cho biết, năm 2017, từ Israel trở về quê, chị làm việc cho một công ty về nông nghiệp tại địa phương. Năm 2019, Loan quyết định nghỉ việc, bắt đầu khởi nghiệp với tình yêu hương thảo và thương hiệu The Seed Garden ra đời, lan tỏa hương thơm trên thị trường trà hoa và tinh dầu.

Chị Triệu Thị Loan chọn hương thảo, hoa hồng là cây trồng chủ lực cho sản xuất tinh dầu. Tràm trà, sả chanh, bạc hà, hương nhu… những mùi hương được xem là truyền thống cũng được Loan chọn để canh tác. Hợp thổ nhưỡng, khí hậu, những loại cây cho hương đã bén rễ, nảy mầm. “Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, mình xác định sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...”, chị Loan chia sẻ.

Với tổng diện tích khoảng 7.000m2, vườn được chia thành các phân khu để trồng các loài hoa hồng, hương thảo, sả, hoa cúc, hoa lài, cỏ ngọt..., tất cả cây trồng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng. Theo Triệu Thị Loan, trong các loại cây trồng, hoa hồng là loài phổ biến nhất tại xứ ngàn hoa Đà Lạt với hàng trăm giống.

Để tìm được loài phù hợp nhu cầu sản xuất, chị Loan phải dày công chọn lựa và đưa vào trồng thử nghiệm để đánh giá, chọn giống phù hợp nhất. “Sau thời gian chọn lọc, chúng tôi nhận thấy giống hoa hồng bản địa Đà Lạt sinh trưởng tốt, dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Lâm Hà. Nhất là giống hoa này có hương phù hợp cho các dòng sản phẩm tinh chế, cho nên gia đình tập trung phát triển”, chị Triệu Thị Loan nói.

Theo chủ vườn, các sản phẩm như trà, tinh dầu, yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cách làm này cũng giúp người làm vườn, các khâu tinh chế ở nhà máy tránh được những yếu tố độc hại, nhất là quy trình sản xuất luôn bảo đảm xanh, sạch. Chị Loan cho biết: “Để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển, chúng tôi sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học. Đối với biện pháp phòng trừ sâu bệnh thì sử dụng các loại chế phẩm sinh học, nhiều trường hợp phải trừ sâu hại bằng biện pháp thủ công”.

Theo chị Loan, những ngày đầu làm nông nghiệp hữu cơ, gia đình chị gặp không ít khó khăn. Đối với mô hình thông thường thì chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học lên là sâu, bệnh hại nhanh chóng được diệt trừ. Còn khi thực hiện quy trình hữu cơ, dùng chế phẩm sinh học thì việc diệt trừ sâu, bệnh hại phải mất thời gian lâu hơn nhiều lần. Sau bốn năm kiên trì với các quy trình ngặt nghèo của nông nghiệp hữu cơ, vườn hoa và cây thảo dược của gia đình Triệu Thị Loan đã có được sự cân bằng hệ sinh thái, cây phát triển tốt.

Khi có nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn, gia đình chị Loan bắt tay vào quy trình tinh chế sản phẩm. Hiện tại thương hiệu The Seed Garden có các loại sản phẩm chủ đạo, như trà hoa hồng hữu cơ, trà sả chanh, bạc hà, cỏ ngọt, bột hoa hồng, tinh dầu hoa hồng, tinh dầu sả chanh, tràm trà, bạc hà, hương thảo… “Nhiều loại tinh dầu khử khuẩn rất tốt và còn sử dụng xông hơi, phương pháp chữa bệnh cổ truyền hiệu quả. Còn trà từ các loại hoa giúp an thần tĩnh trí, thanh lọc cơ thể, hương thơm dịu nhẹ”, Triệu Thị Loan chia sẻ.

Theo chị Loan, trong quy trình chế biến trà hoa hồng hữu cơ, để mẻ trà đạt chất lượng phải hái hoa vào 10 giờ sáng, sau đó chọn lọc, làm sạch và đưa vào hệ thống sấy lạnh khoảng 24 giờ. Sản phẩm được chuyển qua khâu đóng gói, đưa ra thị trường. “Hiện nay, nguồn khách hàng chủ yếu của The Seed Garden là các đại lý tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố miền trung. Khách hàng thường đặt để làm nghiên cứu khoa học, phát triển mỹ phẩm”, chị Loan chia sẻ.

Lượng đơn đặt hàng ngày càng lớn, mang lại doanh thu ít nhất 60 triệu đồng/tháng. “Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng được giá trị cho nhiều loại cây trồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, khu chế biến và liên kết với các nông hộ tại địa phương để phát triển mô hình”, chị Triệu Thị Loan cho biết.