Nhìn lại năm 2024

Khói lửa bao trùm Trung Đông và tia hy vọng hòa bình mong manh

Khu vực Trung Đông trải qua một năm bị khói lửa bao trùm bởi bạo lực không ngừng leo thang ở Dải Gaza, Liban và Syria, trong khi tình trạng khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Cuộc xung đột giữa Israel với Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza; các cuộc tiến công trả đũa lẫn nhau giữa lực lượng Israel và Phong trào Hezbollah; sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad ở Syria làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực. Chấm dứt xung đột và tìm giải pháp nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông tiếp tục là thách thức lớn đối với các nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Palestine ở Dải Gaza đi lánh nạn. (Ảnh Declassified UK)
Người dân Palestine ở Dải Gaza đi lánh nạn. (Ảnh Declassified UK)

Khủng hoảng lan rộng

Số liệu thống kê con số thương vong và thiệt hại về cơ sở vật chất ở Dải Gaza vẫn chưa thể phản ánh đầy đủ những tác động thật sự của cuộc xung đột này và hậu quả của nó được đánh giá sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ. Những thiệt hại nặng nề do chiến sự gây ra ở Gaza có thể khiến vùng đất Palestine phải mất hàng thập kỷ cho công cuộc tái thiết. Hiện gần như tất cả các bệnh viện ở Gaza đều phải ngừng hoạt động, do bị tấn công hoặc thiếu nhân lực. Không ít nhân viên y tế còn bị bắt giữ khiến những người bị thương không được tiếp nhận sự chăm sóc cần thiết.

Xung đột Israel-Hamas tại Gaza đã kéo theo sự phá hủy chưa từng có đối với cơ sở hạ tầng của vùng lãnh thổ này. Gần hai phần ba số tòa nhà ở Gaza bị phá hủy hoàn toàn, gồm các cơ sở giáo dục-y tế, khu dân cư, địa điểm tôn giáo và khu vực khảo cổ. Theo Liên hợp quốc, có thể mất tới 15 năm và gần 650 triệu USD để dọn sạch tất cả lượng gạch đá đổ nát ở Gaza. Xung đột kéo dài hơn 1 năm qua tại đây đã khiến hơn 44.700 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em và hơn 105.000 người bị thương. Các cuộc giao tranh đẩy người dân Palestine ở Dải Gaza vào thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng. Các đối tác nhân đạo của Liên hợp quốc báo cáo về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nơi trú ẩn cho hàng trăm nghìn người phải di dời do giao tranh trên khắp Gaza. Chưa đầy 25% nhu cầu nơi trú ẩn tại đây được đáp ứng, khiến gần 1 triệu người có nguy cơ phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” khi mùa đông khắc nghiệt đang đến gần.

Trước tình trạng bạo lực kéo dài và cuộc khủng hoảng lan rộng ở Gaza cũng như trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, cộng đồng quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước, với việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel. Kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát, nhiều quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến này. Vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, các quốc gia như Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha và Slovenia đã tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine, đánh dấu bước tiến lớn trong việc củng cố ý tưởng về giải pháp hai nhà nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo ông sẽ cùng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đồng chủ trì một hội nghị quan trọng vào tháng 6/2025 bàn về việc thành lập Nhà nước Palestine. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành bỏ phiếu tại New York (Mỹ) về dự thảo nghị quyết nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế tương tự vào tháng 6 tới.

Trong khi đó, giao tranh tiếp tục nổ ra ở khu vực biên giới giữa Israel và Liban chỉ một ngày sau khi cuộc chiến tại Dải Gaza bùng phát đầu tháng 10/2023. Cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah ngày càng leo thang dữ dội. Sau khi cơ bản trấn áp được phong trào Hamas ở chiến trường Gaza, từ cuối tháng 9 vừa qua, Israel mở chiến dịch đổ bộ “hạn chế” sang miền nam Liban và tăng cường các cuộc không kích vào sâu lãnh thổ nước này. Chiến dịch quân sự của Israel cũng khiến gần 3.800 người tại Liban thiệt mạng và 15.600 người bị thương. Phía Israel tổn thất hơn 100 người, trong đó có 44 binh sĩ. Cuộc xung đột còn khiến hơn 1 triệu người dân Liban, chiếm gần 20% dân số, phải rời bỏ nhà cửa. Ước tính hơn 60.000 người dân Israel phải di tản khỏi các khu vực biên giới phía bắc để tránh tên lửa của Hezbollah.

Ánh sáng cuối đường hầm

Sau hơn 1 năm giao tranh quanh biên giới và 2 tháng leo thang căng thẳng, Israel và Liban đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn do Mỹ và Pháp làm trung gian, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 27/11 vừa qua. Theo Thỏa thuận có tên “Chấm dứt thù địch và các cam kết liên quan về các biện pháp tăng cường an ninh và hướng tới việc thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, hai bên đồng ý ngừng bắn trong 60 ngày, Israel phải rút quân khỏi miền Nam Liban, trong khi Hezbollah rút lui về phía Bắc sông Litani. Thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Liban đã tạm thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu nhất giữa hai bên trong nhiều thập kỷ, đồng thời mang lại hy vọng về một thỏa thuận tương tự sẽ đạt được ở Dải Gaza.

Sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah tại Liban có hiệu lực, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế tích cực hỗ trợ người dân Liban khắc phục hậu quả xung đột, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn phía trước khi cơ sở hạ tầng của Liban bị tàn phá nặng nề, dịch vụ công hạn chế và nguy cơ về mất an toàn, nhất là mối đe dọa từ bom mìn chưa nổ vẫn rình rập.

Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và các đối tác, hơn 15.000 tòa nhà ở các tỉnh Nam Liban và Nabatiyeh bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ. Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng, khoảng 100.000 nhà ở đã bị hư hại kể từ khi xung đột giữa Israel và Hezbollah nổ ra. Dù chỉ là tạm thời và còn nhiều khó khăn trong việc thực thi, song thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Liban đã giúp khôi phục hòa bình ở một trong những điểm nóng nhạy cảm nhất thế giới, tạo điều kiện để thúc đẩy đàm phán và đem lại tia hy vọng về khả năng có được một thỏa thuận tương tự cho cuộc xung đột tại Dải Gaza.

Trong khi đó, tình hình tại Syria đã có những biến động nhanh chóng. Lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu đã đánh chiếm các vùng lãnh thổ của Syria, kiểm soát thủ đô Damascus dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Sau khi được phe đối lập bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời tới tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Syria - ông Mohammad al-Bashir đã tiến hành cuộc họp nội các đầu tiên với sự tham gia của chính quyền lâm thời và các cơ quan từ chính phủ dưới thời ông al-Assad, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria.

Tuy nhiên, Syria phải đối mặt với những thử thách lớn trong việc tái thiết đất nước sau 13 năm chiến tranh tàn khốc, trong bối cảnh sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ hiện nay tại Syria chưa hoàn toàn rõ ràng. Quan ngại về tương lai chính trị của Syria, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều bày tỏ mong muốn chính phủ mới của quốc gia này phải là một chính phủ bao trùm, không phân biệt tôn giáo và phải cam kết bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số. Mỹ khẳng định sẽ công nhận chính phủ mới tại Syria nếu họ đáp ứng được những tiêu chuẩn nêu trên, đồng thời phải bảo đảm để Syria không là nơi ẩn náu của khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại đông bắc Syria trong khuôn khổ nhiệm vụ chống khủng bố. Một trong những mối lo lớn hiện nay là sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực tôn giáo và nguy cơ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy trở lại ở Syria. EU cảnh báo rằng, Syria phải tránh lặp lại những kịch bản thảm khốc của Iraq, Libya và Afghanistan và không thể để Syria rơi vào vòng xoáy chiến tranh và bạo lực một lần nữa.

Còn đó những nguy cơ khó lường

Trước những biến động trên chính trường và còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ đối với tương lai của Syria, tình hình tại quốc gia Trung Đông này đang trở nên phức tạp hơn với những diễn biến quân sự căng thẳng sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Israel đã phát động một chiến dịch không kích quy mô lớn, nhằm vào các mục tiêu quân sự trên khắp Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Katz tuyên bố, nước này sẽ thiết lập một vùng phi quân sự ở miền nam Syria nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố. Israel đã điều quân vào vùng đệm ở Cao nguyên Golan, một động thái được cho là để bảo vệ công dân Israel khỏi các cuộc tấn công, đồng thời cũng phủ nhận thông tin quân đội nước này đang tiến về thủ đô Damascus. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, các cuộc không kích nhằm tiêu diệt năng lực quân sự còn lại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và ngăn chặn việc vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố. Ông bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ với chính phủ chuyển tiếp của Syria.

Mặc dù vậy, các hành động quân sự của Israel đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều quốc gia trong khu vực. Liên hợp quốc cũng lên án cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự tại Syria, cũng như việc nước này chiếm giữ khu vực đệm ở Cao nguyên Golan sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad. Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thỏa thuận năm 1974, vùng đệm ở Cao nguyên Golan là khu vực phi quân sự và chỉ có lực lượng Liên hợp quốc đồn trú ở đây.

Bước ngoặt thay đổi cục diện trên chính trường Syria, thỏa thuận đình chiến tạm thời ở Liban, cuộc chiến ở Gaza chưa có hồi kết là những nhân tố sẽ tác động mạnh tới tình hình an ninh và hòa bình khu vực. Quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria cần phải diễn ra suôn sẻ mới có thể đem lại sự ổn định cho quốc gia Trung Đông này và tránh tạo môi trường thuận lợi cho IS trỗi dậy trở lại. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah cần được tuân thủ nghiêm túc để tạo điều kiện cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, chấm dứt xung đột ở Liban, mở ra cơ hội cho một thỏa thuận tương tự cho Gaza. Khu vực Trung Đông cần một giải pháp chính trị toàn diện vì một nền hòa bình bền vững và lâu dài ■